1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ tâm thần trong giới “cổ cồn trắng” Nhật

Chuyện một nhân viên trẻ tuổi của Tập đoàn Sony vừa bị bắt giam vì tội hành hạ thú vật đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ngày càng có nhiều nhân viên cổ cồn trắng tại Nhật bị suy sụp tinh thần.

Khỏi phải nói ban lãnh đạo Tập đoàn điện tử Sony đã sốc như thế nào sau khi biết được một trong những chuyên viên của họ đã liên tục hành hạ vật nuôi. Shinichi Moriyama, 30 tuổi, luôn vùi đầu trong phòng làm việc và rất ít khi tiếp xúc với đồng nghiệp xung quanh. Mọi chuyện vỡ lở sau khi cảnh sát nghi ngờ Moriyama đã tung lên mạng Internet các đoạn băng chiếu cảnh bóp cổ, đấm đá và thực hiện những hành động dã man khác đối với các con chồn sương. Vào ngày 11/4, người này đã bị bắt vì phạm luật cư xử dã man với thú vật. Tính đến ngày bị bắt, Moriyama đã "thảm sát" từ 20 đến 30 con vật với lý do "bị stress vì công việc không được suôn sẻ".

 

Theo báo Japan Times, mặc dù hầu hết các tập đoàn lớn tại Nhật Bản đều có chương trình chăm sóc tinh thần nhân viên hết sức chu đáo. Các khuynh hướng mới đây cho thấy số lượng nhân viên cổ cồn trắng trẻ tuổi dễ dàng bị rơi vào trạng thái suy sụp như Moriyama không ngừng tăng lên. Theo một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu sức khỏe tinh thần, trong số 218 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán thì có đến 60% cho rằng "tình trạng bệnh tinh thần trong giới nhân viên cứ tiếp tục tăng trong 3 năm qua". "Khuynh hướng này được nhận thấy rõ ràng nhất trong giới nhân viên nam trong độ tuổi 20, 30", Yuichiro Tokunaga thuộc Bệnh viện Shiranui nói.

 

Theo chuyên gia này, mẫu số chung của những người trên là có trình độ học vấn cao, năng lực làm việc tốt, nhưng lại thiếu kỹ năng giao tiếp. Thật ra, nhiều nơi làm việc đã báo cáo hiện tượng số nhân viên trẻ bị thiếu khả năng giao tiếp tăng lên nhanh chóng. Nhiều nhà quản lý cũng thừa nhận luôn vấp phải khó khăn khi đối thoại với các nhân viên trẻ.

 

Theo chuyên gia tâm thần học Hideki Wada, nhiều người dễ dàng bị stress bởi vì họ muốn hướng đến sự hoàn hảo. Họ chỉ muốn tự mình giải quyết chứ không muốn chia sẻ với người khác. Tờ Shukan Post ghi nhận nhiều nhà quản lý tại không ít công ty nhận xét rằng họ phải đối xử với những nhân viên trẻ tuổi ngày nay như những đứa bé và những nhân viên này không bao giờ chịu nhận chính họ là nguyên nhân của tình trạng rối ren trong công việc. Một vấn đề không kém phần quan trọng ảnh hưởng đến tinh thần của những nhân viên cổ cồn trắng chính là không có đủ thời gian ngủ, nghỉ.

 

Tại Nhật Bản, tình trạng nhân viên đi làm trễ, nghỉ không lý do hoặc làm việc trong cơn buồn ngủ đã làm thiệt hại đến 30 tỉ USD/năm cho nền kinh tế. Khoảng 37% trong số 3.075 người được hỏi cho biết tình trạng thiếu ngủ kinh niên đã khiến hiệu quả công việc của họ bị giảm khoảng 40%. Bên cạnh đó, việc thiếu ngủ cũng đẩy họ vào tình trạng thường xuyên gặp tai nạn, đi làm trễ và bỏ làm không lý do.

 

Theo nhà báo Ritsuko Yamaguchi, có thể ngăn ngừa các "Moriyama tương lai" bằng cách để ý một số biểu hiện đặc trưng. Thứ nhất là những bệnh nhân này không có khả năng quyết định được việc nào nên ưu tiên và thế là công việc bị ùn tắc. Sở thích ăn uống và tình dục giảm hẳn. Họ cũng chẳng màng đến vẻ bề ngoài và ít khi chịu tắm rửa. Một điều nữa là những người có vấn đề về tinh thần thường không thể làm việc trôi chảy vào buổi sáng mà chỉ tập trung được vào chiều tối.

 

Ngoài ra, cần chú ý phát triển chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động trong công ty. Cụ thể, nên xây dựng được ý thức của người lao động về nguy cơ họ có thể mắc phải, thiết lập quan hệ tốt giữa nhân viên - sếp, thường xuyên tổ chức các buổi khám bệnh về tinh thần và khuyến khích người lao động tham gia những loại hình giải trí bổ ích.

 

Theo Thanh Niên