1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nguy cơ Mỹ có thể "sảy chân" trong chống dịch vì "bom hẹn giờ" Delta

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo Mỹ có thể sẽ bị "sảy chân" sau khi đạt được những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, do sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta nguy hiểm.

Nguy cơ Mỹ có thể sảy chân trong chống dịch vì bom hẹn giờ Delta - 1

Biến chủng Delta gây bùng nổ số ca Covid-19 tại Mỹ trong thời gian qua (Ảnh: Reuters).

Dailymail dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, Mỹ đang đối mặt với rủi ro có thể bị "đi lùi" trong nỗ lực chống dịch Covid-19 khi Delta đang trở thành biến chủng áp đảo tại nhiều khu vực.

Biến thể từng gây lây lan kinh hoàng ở Ấn Độ đã khiến số ca mắc mới trung bình ở Mỹ tăng 70% trong tuần qua. Hầu hết các bang đều chứng kiến số người bệnh Covid-19 tăng lên, trong khi dữ liệu từ trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy chủng Delta chiếm 60% số ca nhiễm mới.

Giám đốc CDC Rochelle Walensky cảnh báo rằng đợt bùng dịch hiện tại đang trở thành "đại dịch của những người chưa tiêm chủng" khi hầu hết các ca nhiễm mới, ca nhập viện và ca tử vong đều chưa tiêm bất cứ liều vắc xin nào.

Các chuyên gia đang bày tỏ lo ngại rằng kịch bản tồi tệ nhất chưa xảy ra tại Mỹ, khi Anh, một trong quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, cũng đang chứng kiến số ca bệnh tăng vọt trong thời gian ngắn.

Dựa theo tốc độ mà Delta trên trở nên áp đảo, rồi chiếm 100% tổng ca nhiễm mới và gây lây lan tăng vọt, các chuyên gia cảnh báo, kịch bản tương tự ở Mỹ có thể sẽ diễn ra chỉ trong vài tuần nữa. Delta bị mô tả như quả "bom hẹn giờ" có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thành quả chống dịch của Mỹ trong thời gian qua.

Delta tấn công các bang tỷ lệ tiêm chủng thấp

Nguy cơ Mỹ có thể sảy chân trong chống dịch vì bom hẹn giờ Delta - 2

Các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp có nguy cơ cao đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới (Ảnh: Reuters).

Trong bối cảnh đó, tốc độ tiêm chủng tại Mỹ đang chững lại và những bang có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nhất đang chứng kiến đợt bùng phát mạnh nhất. Hôm 16/7, Nhà Trắng cho biết, bang Florida chiếm 20% tổng số ca nhiễm mới trong tuần qua.

Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Francis Collins thừa nhận rằng, cơ quan y tế liên bang lo ngại về Missouri nhiều hơn các bang còn lại. Trong 2 tuần qua, số ca nhiễm mới ở bang này tăng 83%. Nguyên nhân dẫn tới mức tăng này có thể là do tỷ lệ tiêm chủng ở Missouri (40% tiêm 2 mũi) khá thấp so với mặt bằng chung ở Mỹ (48,3%). Ngoài ra, biến chủng Delta cũng đã chiếm tới 97% số ca nhiễm mới ở bang này, và được mô tả là đang lan "như cháy rừng".

Tại các bang tây nam Mỹ, các kịch bản tương tự đang diễn ra ở Arkansas khi số ca nhiễm mới tăng trung bình mỗi 10 ngày, theo chuyên gia Cam Patterson từ đại học khoa học y tế Arkansas. Bang này mới chỉ có 35,1% dân số tiêm chủng đầy đủ.

Tại Louisiana, số ca bệnh tăng 466% từ 299 lên 1.695 trong vòng 14 ngày qua. Độ tuổi nhập viện trung bình tại bang này cũng thấp hơn hẳn so với các làn sóng lây nhiễm trước đó. Louisiana là một trong những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất nước Mỹ, vào khoảng 36% dân số đã tiêm đủ 2 mũi, theo CDC.

Ngoài ra, đang có nhiều những hoài nghi xung quanh hiệu quả của vắc xin với chủng Delta. Một nghiên cứu hôm 16/7 từ Israel cho thấy, 2 liều vắc xin Pfizer có tác động "yếu hơn" với biến chủng Delta so với kỳ vọng, đạt hiệu quả bảo vệ 64% tính đến ngày 6/6.

Israel là một hình mẫu tiêm chủng hàng đầu thế giới khi đã tiêm vắc xin Pfizer cho 61% dân số, nhưng hiện vẫn đang chứng kiến số ca bệnh gia tăng mạnh vì chủng Delta.