1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Delta phủ sóng, Covid-19 có thể thành "đại dịch của người không tiêm chủng"

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức Mỹ cảnh báo, biến chủng Delta hiện là biến chủng trội toàn cầu khiến số ca nhiễm và ca tử vong tăng vọt và Covid-19 có thể trở thành "đại dịch" với những người không tiêm chủng.

Delta phủ sóng, Covid-19 có thể thành đại dịch của người không tiêm chủng - 1

Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại ở Mỹ, với số ca tử vong và số ca nhiễm tăng vọt sau nhiều tháng giảm (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, tại một cuộc họp báo ngày 16/7, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cho biết, sự xuất hiện của biến chủng Delta đã khiến số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Mỹ tăng vọt trở lại. Cụ thể, số ca mắc mới trong tuần qua đã tăng đến 70% so với tuần trước đó, số ca tử vong cũng tăng tới 26%. Hiện tại, trung bình mỗi ngày Mỹ ghi nhận hơn 26.000 ca mắc mới, tăng hơn hai lần so với hồi tháng 6.

Trong đó, dịch bùng phát mạnh nhất ở Arkansas, Florida, Louisiana, Missouri và Nevada, điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng, ông Jeff Zients, cho hay. Đây đều là những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình.

"Covid-19 đang trở thành đại dịch của những người không tiêm chủng", bà Walensky cảnh báo và cho biết thêm, khoảng 97% bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở Mỹ là người chưa tiêm chủng. Bà cho biết, ngày càng nhiều hạt ở Mỹ chứng kiến dịch bùng phát mạnh trở lại, trái ngược với xu hướng giảm những tháng gần đây.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh trở lại ở Mỹ được cho là do sự xuất hiện của Delta - biến chủng dễ lây lan hơn được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, trong khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đủ cao. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cho biết, hiện Delta đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và trở thành biến chủng trội toàn cầu. "Chúng ta đang phải đối phó với một biến chủng rất mạnh", ông Fauci nói.

Để đối phó với đợt bùng phát mới, bà Walensky hối thúc người dân Mỹ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 sớm nhất có thể. Hai vắc xin được phê duyệt ở Mỹ gồm Pfizer và Moderna được chứng minh có hiệu quả cao chống lại biến chủng Delta. Theo quan chức này, người dân Mỹ nên tiêm mũi vắc xin thứ hai kể cả khi đã quá thời hạn khoảng cách với mũi đầu tiên.

Mỹ là một trong những quốc gia có chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Ông Zients cho biết, trong 10 ngày qua, Mỹ đã tiêm chủng cho khoảng 5 triệu người ở các bang có tỷ lệ lây nhiễm cao như Arkansas, Florida, Louisiana, Missouri và Nevada. Michael Newshel, chuyên gia y tế tại Evercore ISI, nhận định sự xuất hiện của biến chủng Delta có thể làm tăng nhu cầu tiêm chủng tại các bang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đợt bùng phát mới này ở Mỹ.

Ông Zients khẳng định, Mỹ vẫn có đủ vắc xin để tiêm liều tăng cường cho người đã tiêm chủng đầy đủ hai mũi. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn đang xem xét liệu việc tiêm chủng tăng cường này có cần thiết hay không mặc dù hiện tại có một số nước đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường nhằm tăng khả năng miễn dịch của người được tiêm với biến chủng Delta.