Người Vũ Hán bị "săn lùng" vì dịch viêm phổi
(Dân trí) - Người Vũ Hán đang đối mặt với sự săn lùng và xa lánh ngay tại Trung Quốc, trong bối cảnh dịch viêm phổi do virus corona gây ra khiến tử lệ người tử vong tăng cao từng ngày.
Số liệu về virus corona (cập nhật đến ngày 5/2). Nguồn: SCMP
Địa điểm | Số ca nhiễm | Tử vong |
Toàn thế giới | 24.537 | 492 |
Trung Quốc đại lục | 24.324 | 490 |
Hong Kong | 18 | 1 |
Macao | 10 | |
Đài Loan | 10 | |
Các nơi khác tại châu Á | 114 | 1 |
Châu Âu | 26 | |
Bắc Mỹ | 15 | |
Châu Đại Dương | 13 | |
Các nơi khác | 7 |
Một người bị các khách sạn liên tục từ chối sau khi đưa thẻ căn cước. Một người khác bị những người dân làng xua đuổi do lo sợ dịch bệnh. Người thứ 3 phát hiện ra rằng các thông tin cá nhân nhạy cảm bị rò rỉ trên mạng sau khi đăng ký với giới chức.
Những trường hợp này đều đến từ Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, tâm của dịch viêm phổi vốn đã khiến 490 người tử vong tại Trung Quốc và gây lo lắng khắp toàn cầu. Họ nằm trong số hàng triệu người Vũ Hán bị xa lánh tại Trung Quốc, không thể trở về nhà vì mọi người lo ngại họ có thể mang trong mình virus bí ẩn.
Trên khắp Trung Quốc, dù có mạng lưới giám sát rộng lớn với các hệ thống nhận diện khuôn mặt và các camera hiện đại ngày càng được sử dụng để theo dõi 1,4 tỷ người, chính quyền vẫn chọn sử dụng các cách thức giám sát thông thường - như thiết lập các hệ thống kiểm tra và đề nghị hàng xóm thông báo cho nhau - trong nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Giới chức mất 5 ngày để liên lạc với Harmo Tang, một sinh viên cao đẳng học tập tại Vũ Hán, sau khi anh trở về quê ở Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang. Tang cho biết anh đã tự cách ly sau khi giới chức địa phương hỏi thông tin cá nhân của anh như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ căn cước và ngày trở về từ Vũ Hán. Chỉ trong vòng vài ngày, các thông tin này bắt đầu lan truyền trên mạng, cùng một danh sách những người khác cũng từ Vũ Hán trở về Lâm Hải.
Giới chức địa phương không đưa ra giải thích gì, nhưng quay trở lại vài ngày sau đó để chăng dây cách ly ở cửa nhà Tang và treo một tấm biển cảnh báo các hàng xóm rằng có một người trở về từ Vũ Hán đang sống tại đây. Tấm biển bao gồm số điện thoại đường dây nóng để liên lạc nếu ai đó nhìn thấy Tang hoặc gia đình anh rời nhà. Tang cho biết anh đã nhận được 4 cuộc gọi trong một ngày từ các cơ quan chính quyền địa phương khác nhau.
“Thực tế là không có sự cảm thông. Không phải là giọng điệu qua tâm mà là sự cảnh báo. Tôi không cảm thấy thoải mái về điều đó”, Tang nói.
Trung Quốc có lý do để theo dõi những người có khả năng mang mầm bệnh. Sự bùng phát của virus corona đã khiến nhiều khu vực tại Trung Quốc bị phong tỏa, khiến nền kinh tế lớn 2 thế giới bị đình trệ và gây ra những bức tường vô hình cô lập Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, một số quan chức chính quyền đã kêu gọi sự cảm thông khi những lo ngại về dịch bệnh lan rộng. Một số chuyên gia cảnh báo rằng sự kỳ thị đối với một nhóm vốn đã dễ bị tổn thương có thể gây phản tác dụng, làm tổn hại niềm tin của công chúng và khiến những người cần được sàng lọc và giám sát càng bị xa lánh hơn.
Mặc dù các mạng lưới tình nguyện viên đã tích cực trợ giúp nhưng nhiều quan chức địa phương lại tập trung các nỗ lực vào việc tìm kiếm và cách ly những người đến từ tỉnh Hồ Bắc. Trên các màn hình lớn và biển báo, các tấm biển và video tuyên truyền khuyên người dân nên ở trong nhà, đeo khẩu trang và rửa tay.
Tại tỉnh Hồ Bắc, một huyện còn tuyên bố thưởng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) cho ai báo cáo có một công dân Vũ Hán xuất hiện ở địa phương. Các bức ảnh được đăng tải trên mạng cho thấy các thị trấn đào đường hoặc triển khai bảo vệ để chặn người ngoài đi vào. Một số cư dân các tòa nhà chung cư đã chặn lối vào các tòa nhà của họ bằng xe đạp.
Tại tỉnh Giang Tô, giới chức đã dùng các cột kim loại để phong tỏa một gia đình trở về từ Vũ Hán gần đây. Để có thức ăn, gia đình này phải dựa vào các hàng xóm bằng cách dùng dây đưa đồ ăn tới ban công phía sau nhà họ, theo báo chí địa phương.
Lo ngại về sự an toàn của các con trong khi tình hình tại nhà xấu thêm, Andy Li, một nhân viên công nghệ từ Vũ Hán di du lịch cùng gia đình tại Bắc Kinh, đã thuê một chiếc ô tô và di chuyển về phía nam tới tỉnh Quảng Đông để tá túc nhà người thân tại đó. Tại Nam Kinh (tỉnh Giang Tô), Li bị một khách sạn từ chối trước khi thuê được phòng tại một khách sạn hạng sang.
“Họ chỉ chú ý cách ly người Vũ Hán với người Nam Kinh. Họ không quân tâm tới việc người Vũ Hán có thể lây bệnh cho người khác”, Li nói.
Các biện pháp cách ly người Vũ Hán cũng khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn. Jia Yuting, một sinh viên 21 tuổi tại Vũ Hán, đã trở về quê nhà ở miền trung Trung Quốc 18 ngày, dài hơn so với thời gian theo dõi 14 ngày, thì nhận được tin ông cô bị ốm tại ngôi làng lân cận. Trong khi đến thăm cha mình, cô đã tuân thủ các hướng dẫn của giới chức địa phương được phát trên loa phóng thanh tại làng và đăng ký thông tin cá nhân với cơ quan địa phương.
Khi một giáo viên trung học tình cơ kết nối với Jia qua mạng xã hội WeChat để hỏi thăm về tình hình sức khỏe, Jia nhận ra thông tin cá nhân của cô đã bị rò rỉ trên mạng và bị lan truyền qua một danh sách. Sau đó, cô thậm chí còn nhận được một cuộc gọi đe dọa.
Giới chức không giải thích tại sao thông tin của cô bị rò rỉ, nhưng khẳng định rằng việc đó không ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của cô. Nhưng 3 ngày sau khi cô tới thăm ngôi làng, người ông của cô qua đời. Giới chức địa phương lập tức nói với gia đình rằng Jia không được phép trở lại ngôi làng để tiễn đưa ông mình.
“Tôi thấy người dân làng không có thông tin trong khi chính quyền không trợ giúp được gì. Họ làm rò rỉ thông tin của tôi ở khắp nơi mà không nói cho dân làng biết tôi hoàn toàn không có triệu chứng nào”.
Jia nói cô cảm thấy ân hận khi không có mặt để chia sẻ sự mất mát với người bà của mình. “Tôi rất thân thiết với bà. Như thế thật độc ác, không nhân đạo chút nào”, cô nói.
An Bình
Theo NYT