1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Trung Quốc xếp hàng dài khám Covid-19 sau nới lỏng phòng dịch

Minh Phương

(Dân trí) - Số người đến các cơ sở y tế ở Trung Quốc khám triệu chứng sốt tăng vài lần so với tuần trước sau khi nước này nới lỏng quy định phòng dịch Covid-19.

Người Trung Quốc xếp hàng dài khám Covid-19 sau nới lỏng phòng dịch - 1

Một phụ nữ mua bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 tại một hiệu thuốc ở Bắc Kinh ngày 11/12 (Ảnh: AP).

Báo Washington Post dẫn thông tin từ giới chức Bắc Kinh hôm nay 12/12 cho biết, khoảng 22.000 bệnh nhân đã đến khám sốt - một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 - tại các cơ sở y tế trên địa bàn trong ngày cuối tuần, gấp 16 lần so với con số trung bình hàng ngày cách đó một tuần.

Yan, bác sĩ tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, chia sẻ: "Số bệnh nhân khám sốt tăng vài lần so với tuần trước và tình trạng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn thêm vài tuần hoặc vài tháng nữa".

Sau 3 năm đối phó Covid-19 với các biện pháp nghiêm ngặt, giới chức Trung Quốc gần đây đã nới lỏng hàng loạt quy định từ cách ly, phong tỏa đến xét nghiệm. Đây được coi là tín hiệu Trung Quốc đang chuyển sang khả năng sống chung với Covid-19 như phần lớn thế giới.

Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc có thể đối mặt với làn sóng Covid-19 mới sau khi nới lỏng phòng dịch. Để chuẩn bị cho kịch bản đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cuối tuần trước cho biết, ngành y tế nước này cần đảm bảo 90% bệnh viện ở các vùng nông thôn có cơ sở khám Covid-19, trong khi các trung tâm cách ly tạm thời sẽ được chuyển thành bệnh viện.

Chính quyền các thành phố kêu gọi người dân không gọi cấp cứu nếu chỉ có triệu chứng nhẹ. Ứng dụng truy vết tiếp xúc vốn được sử dụng rộng rãi trong giai đoạn chống dịch trước đó cũng chính thức ngừng hoạt động từ ngày 13/12, mọi dữ liệu người dùng sẽ bị xóa.

Ở phía người dân, đề phòng làn sóng dịch bệnh mới, họ cũng gia tăng mua sắm các loại thuốc và trang thiết bị y tế, dẫn đến tình trạng một số loại thuốc trở nên khan hiếm, giá tăng cao.

Theo Washington Post, Reuters