Người Triều Tiên đi bầu cử quốc hội
(Dân trí) - Người Triều Tiên hôm nay (9/3) sẽ đi bầu cử để chọn ra các đại biểu quốc hội mới, cơ quan có quyền lực lập pháp của nước này. Đây là diễn biến được xem như có thể hé lộ những manh mối về sự chuyển giao quyền lực tại Bình Nhưỡng.
Theo hãng tin AFP, đây là cuộc bầu cử Quốc hội nhân dân tối cao đầu tiên của Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người lên nắm quyền sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời tháng 12/2011.
Và cũng giống như cha mình, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên sẽ là ứng viên tại đơn vị bầu cử số 111, núi Paektu.
Theo thông tin tuyên truyền chính thức của Triều Tiên, người dân nước này xưa nay vẫn coi núi Paektu là nơi linh thiêng, và cố lãnh đạo Kim Jong-il được ra đời bên sườn núi này.
Các cuộc bầu cử đại biểu quốc hội thường được tổ chức 5 năm một lần, trong khi quốc hội Triều Tiên chỉ nhóm họp 1-2 lần mỗi năm, với thời gian nghị sự hầu hết kéo dài một ngày, để phê duyệt ngân sách, hoặc thông qua các quyết định được đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền đưa ra.
Trong phiên họp tháng 4/2013, quốc hội Triều Tiên đã phê chuẩn một sắc lệnh đặc biệt, khẳng định nước này là quốc gia hạt nhân – một điều mà Mỹ và Hàn Quốc một mực phản đối.
Đối với các nhà quan sát thì mối quan tâm thực sự với cuộc bầu cử này là danh sách các ứng cử viên cuối cùng. Nhiều quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng là thành viên quốc hội, và cuộc bầu cử là một cơ hội để cho thấy liệu có ai bị loại khỏi danh sách bầu cử hay không.
Kể từ khi lên lãnh đạo, ông Kim đã thực hiện những thay đổi sâu rộng trong đảng cầm quyền, mà kịch tính nhất là việc xử tử người chú dượng quyền lực Jang Song-thaek hồi tháng 12 năm ngoái với tội danh phản quốc và tham nhũng.
“Đây là cơ hội để thấy ai có thể được trao các vị trí chủ chốt dưới thời ông Kim Jong-un”, giáo sư Yang Moo-Jin, đến từ đại học Triều Tiên nhận định. “Danh sách các ứng viên cũng cho thấy sự chuyển giao thế hệ, nếu có, đang diễn ra như thế nào và hướng đi chính sách mà ông Kim Jong-un ưa thích là gì”.
Với việc không có ứng cử viên cạnh tranh nào, các cử tri Triều Tiên đơn giản chỉ cần đánh dấu vào ô “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” đối với cái tên duy nhất trên phiếu bầu cử.
“Chúng ta hãy cùng bỏ phiếu “đồng ý”, một trong số nhiều biểu ngữ mà truyền hình nhà nước Triều Tiên đăng tải, được treo tại Bình Nhưỡng viết.
Trong cuộc bầu cử quốc hội gần nhất, tỷ lệ cử tri tham dự là 99,98% số người đăng ký tham dự, và 100% bỏ phiếu cho ứng viên đã được phê chuẩn tại mỗi đơn vị bầu cử.
Với giới chức Triều Tiên, cuộc bầu cử cũng là một đợt điều tra, bởi các nhân viên bầu cử sẽ tới từng nhà để đảm bảo mọi cử tri đã đăng ký đều có mặt và đúng như đã đăng ký.
“Có thể vào một thời điểm nào đó trong năm, các gia đình có người nhà mất tích chỉ cần nói dối hoặc hối lộ các nhân viên điều tra, rằng người họ tìm đang đi buôn bán ở một khu vực khác”, trang New Focus International của những người Triều Tiên đào tẩu cho biết. “Nhưng trong thời gian bầu cử là lúc việc ai đó đào tẩu sang Trung Quốc hoặc Hàn Quốc bị phát hiện”.
Ahn Chan-Il, một người đào tẩu đang lãnh đạo Viện thế giới về Triều Tiên khẳng định các hoạt động trấn áp đang làm giảm độ chính xác của hoạt động điều tra nêu trên, bởi nhiều quan chức địa phương không dám báo cáo có người mất tích trong khu vực họ quản lý. “Nếu không họ sẽ gặp rắc rối bởi đây chính là trách nhiệm của họ”, Ahn khẳng định với AFP.
Thanh Tùng
Theo AFP