1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Người Thái đi bỏ phiếu trong trưng cầu dân ý về hiến pháp mới

(Dân trí) - Người dân trên khắp Thái Lan hôm nay đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới do chính quyền quân sự hiện thời soạn thảo. Đây là phép thử lớn đầu tiên về sự ủng hộ dành cho chính quyền quân sự của Thái Lan kể từ sau cuộc đảo chính 2 năm trước.


Kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý sẽ có vào khoảng 8 giờ tối nay giờ địa phương (Ảnh: Getty)

Kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý sẽ có vào khoảng 8 giờ tối nay giờ địa phương (Ảnh: Getty)

Chính quyền quân sự đã loại bỏ hiến pháp cũ và đưa ra hiến pháp lâm thời khi lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2014, sau nhiều tháng bất ổn chính trị và bạo lực.

Cuộc trưng cầu dân ý sẽ là phép thử đầu tiên về sự ủng hộ đối với chính quyền quân sự do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đứng đầu.

Khoảng 50 triệu cử tri tại Thái Lan sẽ trả lời “Có” hay “Không” đối với câu hỏi: “Bạn có chấp thuận dự thảo hiến pháp?”.

Chính quyền quân sự nói rằng nếu được thông qua, hiến pháp sẽ là một bước quan trọng tiến tới việc trở lại nền dân chủ đầy đủ.

Thủ tướng Prayuth đã tuyên bố ông sẽ không từ chức nếu người Thái phản đối dự thảo hiến pháp và rằng một cuộc tổng tuyển cử sẽ vẫn diễn ra vào năm tới bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Các cử tri cũng sẽ được hỏi rằng: Thượng viện có nên được phép tham gia cùng hạ viện trong việc lựa chọn thủ tướng hay không?

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phe ủng hộ hiến pháp mới dẫn trước với tỷ lệ sít sao, nhưng phần lớn cử tri vẫn chưa quyết định. Kết quả sơ bộ trong cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ được đưa ra vào khoảng 8 giờ tối giờ địa phương.

Thái Lan đã trải qua một thập niên mâu thuẫn và bất ổn chính trị, từng gây ra tình trạng bạo lực trên đường phố.

Trong thời gian đó, các đảng liên quan tới cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử, nhưng các chính phủ này sau đó lại bị lật đổ bằng các cuộc đảo chính quân sự hoặc các phán quyết của tòa án.

Ông Shinawatra đã sống lưu vong ở nước ngoài kể từ năm 2006 để tránh án tù về tội tham nhũng.

Em gái ông là bà Yingluck Shinawatra đã trở thành thủ tướng vào năm 2011 nhưng cũng bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

An Bình