1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Người Singapore hy vọng xen lẫn lo âu khi "sống chung với Covid-19"

(Dân trí) - Khi Singapore theo đuổi chiến lược "sống chung với Covid-19" và thích nghi với cuộc sống bình thường mới, số ca mắc mỗi ngày tăng vọt, khiến người dân chênh vênh giữa những lo lắng và hy vọng.

Người Singapore hy vọng xen lẫn lo âu khi sống chung với Covid-19 - 1

Singapore mới đây đã phải siết lại các hạn chế do số ca Covid-19 tăng cao (Ảnh AP).

Sống giữa thời điểm bước ngoặt cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Singapore, cô Joys Tan luôn thực hiện đúng các quy định đề ra như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và tiêm vắc xin để giúp đất nước bảo vệ thành quả.

Không ai trong gia đình Joys Tan bị nhiễm bệnh, và cô có thể tự tin ngồi ăn tối tại nhà mẹ đỡ đầu vào đầu tháng này, ngay cả khi số ca nhiễm vẫn tăng cao do biến chủng Delta.

Nhưng 2 ngày sau, người mẹ đỡ đầu bị nhiễm bệnh và cô buộc phải tự cách ly trong một căn phòng ở khách sạn, xa chồng và con trai 2 tuổi trong gần 1 tuần qua. Khi đó, nhà thiết kế đồ họa 35 tuổi này, cũng giống như nhiều người Singapore, bắt đầu tự hỏi liệu sống chung với Covid-19 có đồng nghĩa với việc sống cùng với nỗi lo lắng thường trực về nguy cơ bị nhiễm bệnh hay không.

"Tôi lo lắng vì không biết Covid-19 có ảnh hưởng lâu dài không, và khi bạn có một đứa con nhỏ, mối lo đó luôn hiện hữu", cô nói. "Tôi đang cố gắng nghĩ rằng đây là căn bệnh đặc hữu mà chính phủ đang theo đuổi, nhưng điều đó rất khó".

Singapore ngày 30/9 ghi nhận 2 ca tử vong vì Covid-19 và 2.478 ca mắc mới, cao hơn con số 2.268 một ngày trước đó. Đến nay, Singapore ghi nhận tổng cộng 96.521 ca Covid-19 và 95 ca tử vong.

Với chiến lược chống dịch nghiêm ngặt ngay từ đầu, Singapore đã thành công khi ngăn chặn làn sóng lây lan dịch. Sau đó, với tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao, kể từ tháng 8, Singapore đã bắt đầu hành trình với tên gọi "sống chung với Covid-19".

Tikki Pang, giáo sư thỉnh giảng của bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, khi làm như vậy, quốc gia Đông Nam Á giàu có với 5,5 triệu dân đã ngầm thừa nhận, chiến lược "Không Covid-19" không phải là giải pháp lâu dài khả thi, và họ đã quyết định bắt đầu dần dần trở lại cuộc sống bình thường.

Theo các quan chức nước này, năng lực xét nghiệm của Singapore đủ để nhanh chóng phát hiện các cụm dịch mới, tiêm chủng ở mức đủ để ngăn chặn ca nhiễm nặng và hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng đủ mạnh để đối phó với bất kỳ làn sóng lây nhiễm mạnh nào.

"Cửa ải cần phải vượt qua"

Người Singapore hy vọng xen lẫn lo âu khi sống chung với Covid-19 - 2

Người Singapore đang thích nghi với cuộc sống bình thường mới trong đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: CNA).

Tuy nhiên, vấn đề là sự nguy hiểm của chủng Delta, giáo sư Tikki Pang nhấn mạnh. Số ca nhiễm tăng 2.258 trường vào hôm 29/9. Thực tế đó đặt ra những thách thức cho đảo quốc này.

Nhưng đằng sau những con số, có bằng chứng cho thấy chiến lược của Singapore đang phát huy hiệu quả. Với khoảng 82% dân số trên 12 tuổi được tiêm đầy đủ, 98% ca nhiễm mới không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, các bệnh viện không bị quá tải. Chỉ 0,2% số người bị nhiễm phải được chăm sóc tích cực và 0,1% tử vong, trong số này là hơn 65% chưa tiêm hoặc tiêm một mũi.

Các con số tổng thể khác, mặc dù cao đối với Singapore, nhưng vẫn rất thấp so với các nước trên thế giới. Tính đến ngày 29/9, Singapore mới ghi nhận tổng cộng 93 ca tử vong do Covid-19 kể từ khi bùng nổ đại dịch.

Một tháng sau kế hoạch mở cửa, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung đã xoa dịu những lo ngại của người dân khi cho rằng làn sóng dịch lần này đã được dự đoán và nên được xem như một "cửa ải cần phải vượt qua" cho bất kỳ quốc gia nào muốn sống chung với Covid-19.

Bộ Y tế Singapore dự đoán các ca mắc hàng ngày có thể vượt 3.200 ca vào cuối tuần này, trong khi các chuyên gia nói rằng có thể tăng hơn gấp đôi trước khi bắt đầu giảm mạnh.

Tuần trước, chính phủ đã thắt chặt một số biện pháp phong tỏa, giảm quy mô số lượng người tham gia tụ tập xã hội và ăn uống tại chỗ. Các quan chức cho biết số lượng người cần thở oxy và chăm sóc tích cực là "vẫn nằm trong dự báo", nhưng nhiều bệnh nhân với các triệu chứng nhẹ cũng muốn điều tại bệnh viện khiến hệ thống y tế thêm căng thẳng.