1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người nghèo ở Nga sống chật vật vì giá thực phẩm tăng cao

Quế Anh

(Dân trí) - Giá các thực phẩm thiết yếu tại Nga leo thang trong vài tháng gần đây do lạm phát, khiến người nghèo càng thêm khó khăn.

Người nghèo ở Nga sống chật vật vì giá thực phẩm tăng cao - 1

Một phụ nữ mua hàng ở siêu thị Nga (Ảnh: Themoscowtimes).

Lyubov, 59 tuổi, cho biết lương hưu của bà hiện tại gần như không tăng so với những năm trước đây nhưng các mặt hàng thiết yếu lại tăng quá nhanh khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

"Tất cả thực phẩm đều tăng giá. Các sản phẩm thiết yếu như đường, bánh mỳ, trứng, thịt gà… đều trở nên quá đắt", bà chia sẻ với Moscow Times.

Giá cả tăng đã buộc bà Lyubov phải suy nghĩ, tính toán thật kỹ về những gì cần mua và cũng khiến bà mua sắm thường xuyên hơn trong chuỗi siêu thị giảm giá Dixy.

"Trách nhiệm của chính phủ là đảm bảo người dân không bị đói. Nhưng hiện tại nhiều người đang lâm vào cảnh đói kém. Tôi thấy nhiều các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà thờ đang phải giúp đỡ những người đó", bà nói.

Các số liệu cho thấy giá thực phẩm tại Nga tăng 7,7% so với năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong khi đó thu nhập khả dụng của người dân tăng chưa đến 1,5% tính theo tiền mặt. 

Vào cuối năm ngoái, chính phủ Nga đã đưa ra quy định giá đối với các mặt hàng chủ lực như đường và dầu ăn, tiếp theo đó là tăng thuế đối với ngũ cốc và các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác, nhằm ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu. Giới chức đã đề nghị các siêu thị và các nhà sản xuất cần cố gắng hết sức để giữ giá ở mức thấp.

Tuy nhiên, chính sách quy định giá đã bị một số nhà kinh tế chỉ trích về tính hiệu quả của nó. Một chuyên gia cho rằng, quy định này không thực sự giải quyết được vấn đề hiện tại, trong khi tác động tới nền kinh tế trong dài hạn và làm ảnh hưởng đến việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Moscow Times dẫn lời một nhà kinh tế cho rằng, có những chính sách ngắn hạn khác mà chính phủ có thể thực hiện như là cắt giảm thuế bán hàng đối với các sản phẩm nông nghiệp, hoặc chính phủ có thể tham gia với tư cách là người trung gian - mua sản phẩm thô với giá thị trường và bán chúng cho các nhà sản xuất với giá chiết khấu.

Trong bối cảnh các cuộc bầu cử quốc hội trên toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, chính phủ Nga dự kiến sẽ phải quan tâm và giải quyết vấn đề này.

"Bức tranh kinh tế nhìn chung không tốt, chỉ có các nhà sản xuất và siêu thị đang hưởng lợi. Chính phủ cần quan tâm tới chúng tôi", bà Lyubov nói.