Người Nga tìm cách đối phó các lệnh trừng phạt dồn dập từ phương Tây
(Dân trí) - Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang tác động tới các gia đình tại Nga, khi giá thực phẩm tăng mạnh trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Người tiêu dùng đang gặp khó khăn về tiền lương trong khi nền kinh tế đang chững lại. Tình hình dự kiến sẽ khó khăn hơn khi hàng tồn kho giảm, các lệnh trừng phạt có hiệu lực có thể đẩy lạm phát lên cao hơn.
Hiện tại, giá đường đã tăng hơn 65% so với một năm trước, trong khi đó rau củ quả đắt hơn 30%, theo các số liệu chính thức.
Vào tháng 4, giá thực phẩm tăng 20%, gấp đôi mức tăng được ghi nhận ở Mỹ. Trong đó, mì ống tăng giá gần 30%, giá ngũ cốc và đậu tăng 35% so với một năm trước.
Tác động của lệnh trừng phạt đối với các gia đình Nga đang ngày càng được cảm nhận rõ là do phần lớn chi tiêu gia đình đều dành cho thực phẩm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thực phẩm chiếm gần 29% chi tiêu trung bình của các hộ gia đình Nga năm 2020, so với 7,1% ở Mỹ và 9,4% ở Anh.
Vì vậy, nhiều người Nga liên tục theo dõi các kênh mạng xã hội như Telegram để nắm thông tin về các mặt hàng giảm giá. Họ nộp đơn khiếu nại lên Cơ quan Chống độc quyền Liên bang, yêu cầu xem xét tình trạng tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu. Người dân cũng áp dụng một chiến thuật truyền thống để đối phó với tình trạng tăng giá và sự bất định của nền kinh tế, trong đó có việc nhanh chóng tiêu tiền mặt trước khi chúng mất giá.
Tình trạng đổ xô mua sắm này có thể khiến hàng hóa thêm khan hiếm và đẩy giá cả tăng thêm.
Trong khi đó, tiền lương không theo kịp đà tăng giá, khiến thu nhập nằm trong khả năng thực tế trong 3 tháng đầu năm nay thấp hơn 1,2% so với năm 2021.
Tình hình khó khăn
Gần 3 tháng sau khi hứng chịu loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây, nền kinh tế Nga không sụp đổ như nhiều người dự đoán. Hầu hết các cửa hàng vẫn còn đầy kho và tỷ lệ mất việc khá thấp.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tình hình có thể sẽ ngày càng xấu đi khi lượng hàng dự trữ trong kho của các công ty cạn kiệt. Giá cả linh kiện, phụ tùng đang tăng lên từng ngày do khan hiếm, chi phí vận tải cao hơn, khiến tình trạng lạm phát, vốn đã cao gấp đôi tỷ lệ ở phương Tây, càng tồi tệ hơn.
Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, cho biết: "Nhiều công ty Nga vẫn còn linh kiện, hàng hóa phương Tây dự trữ trong kho, có thể đủ trong vài tháng, thậm chí một năm. Nhưng kho hàng này cuối cùng sẽ cạn kiệt và tình trạng khan hiếm sẽ đẩy giá lên cao".
Hiện các doanh nghiệp Nga đang chạy đua tìm nhà cung cấp mới, thay đổi sản phẩm và quy trình để thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Anna Varzhitskaya là một trong số đó. Cô gần đây thường xuyên đến Kazakhstan để đàm phán với chi nhánh tại địa phương của các nhà cung cấp châu Âu, đồng thời tăng mua sắm thiết bị từ châu Á để lắp đầy kho hàng hóa cho TekhnoVita, nhà phân phối thiết bị sản xuất có trụ sở tại thành phố Samara. Điểm đến tiếp theo của Varzhitskaya là Kyrgyzstan.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lệnh trừng phạt được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nga với GDP dự kiến giảm 8,5% trong năm nay, mức giảm lớn nhất kể từ đầu những năm 1990.
Dữ liệu công bố tuần trước của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu có trụ sở tại Moscow cho thấy, doanh số bán ô tô mới, chỉ số quan trọng phản ánh tâm lý người tiêu dùng, đã giảm hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà sản xuất xe mô tô ba bánh IMZ-Ural đã đóng cửa cơ sở ở Nga ngay sau khi chiến sự nổ ra. Ilya Khait, giám đốc điều hành công ty, cho biết: "Chúng tôi chịu sức ép từ cả hai phía. Chúng tôi không thể nhập khẩu hay xuất khẩu bất cứ thứ gì".
Công ty hậu cần Major Cargo Service trụ sở tại Moscow làm việc với hơn 2.000 khách hàng ở Nga, đã chứng kiến khối lượng nhập khẩu hàng hóa giảm 50-70%, tùy thuộc vào xuất xứ.
Trong những tuần gần đây, những mặt hàng bị cấm vận không thể chuyển được vào Nga. Nhưng các sản phẩm khác như quần áo hay thiết bị gia dụng đang tăng dần lên vì đồng rúp đã ổn định và các công ty hậu cần đang nỗ lực xử lý vấn đề, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của Major Cargo, ông Mihail Markin cho biết.
Các công ty Nga vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh trừng phạt cũng bắt đầu đặt những lô hàng mới sau khi tìm đến nhà cung cấp ở các quốc gia thân thiện với Nga.
Lo ngại về tuyến đường vận chuyển
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hơn đặt ra là tuyến đường vận chuyển hiện đang rất phức tạp, phải đi đường vòng hơn, đắt đỏ hơn trong khi công suất thấp hơn so với trước.
Ông Markin cho biết, khác với lúc trước, vốn được chở bằng xe tải qua biên giới, hàng hóa giờ đây chuyên chở bằng tàu biển ở Italy hoặc các nước Nam Âu khác, đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, hàng được chuyển sang tàu Thổ Nhĩ Kỳ, đi qua eo biển Bosporus đến cảng Novorossiysk của Nga rồi được bốc dỡ lên xe tải.
Một giải pháp khác là đưa hàng hóa lên xe tải ở châu Âu, chuyển lên tàu hỏa, vốn có thể qua biên giới, để đến các thành phố lớn của Nga, rồi tiếp tục dùng xe tải đưa đến kho hàng của các công ty.
Chính lộ trình phức tạp này đã khiến chi phí nhập hàng từ châu Âu tăng gần gấp đôi và biến động theo từng tuần.
Cũng theo ông Markin, người Nga cũng đang tận dụng các tuyến vận chuyển châu Á để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông đang ngày càng bận rộn hơn trong khi lượng hàng chuyên chở trên tuyến đường sắt xuyên Siberia đang tăng dần.
Các công ty vận tải đường bộ của Nga cũng tìm đến Trung Quốc và những nước châu Á khác. Theo đó, chi phí vận chuyển từ Trung Quốc đã giảm kể từ tháng 2, nhưng rất khó dự đoán thời gian giao hàng.