1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người Mỹ không còn cao nhất thế giới

(Dân trí) - Nước Mỹ từng được coi là “nước” cao nhất thế giới. Ngay từ những ngày đầu khai sinh đến cuộc cách mạng công nghiệp, và trải qua hai cuộc đại chiến thế giới, người Mỹ vẫn đứng cao hơn so với những người ở nước khác. Nhưng vị thế đó giờ không còn.

Hiện trạng

 

Ở một vùng đất với không gian mở và nguồn tài nguyên vô hạn, nước Mỹ non trẻ đã biết biến đổi sự giàu có đó thành sự lớn mạnh trong con người. Nhưng cũng như nhiều lĩnh vực khác, vị thế bá chủ của Mỹ xét về chiều cao đang bị đánh mất. Người Mỹ đã đạt đến độ cao “đỉnh nhất” sau Thế chiến thứ hai, nhưng dần dần lại bị tụt lùi so với thế giới.

 

Trong những năm 1960,  thời điểm thế hệ “baby boom” (những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số) bước vào tuổi trưởng thành, hầu hết các nước ở phía tây và bắc châu Âu đã đuổi kịp và vượt qua Mỹ. Thanh niên ở Nhật và các nước châu Á thịnh vượng khác giờ cũng cao gần bằng người Mỹ.

 

Thậm chí người dân ở Đông Đức (cũ) ngày nay cũng cao hơn người Mỹ. Tại Hà Lan, đất nước “cao nhất” thế giới hiện nay, chiều cao của một người đàn ông điển hình nơi đây đạt 1,83m, cao hơn chiều cao trung bình của người Mỹ 5cm. Nhìn lại thời điểm năm 1850, tình thế hoàn toàn ngược lại. Không phải chỉ có người Hà Lan mà tất cả các quốc gia ở châu Âu đều thấp hơn người Mỹ hơn 6cm.

 

Điều đó có ý nghĩa gì? Người Hà Lan trở nên cao hơn có lợi thế hơn so với người Trung quốc, hay người Brazil hay không?

 

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng có, bởi chiều cao tương quan với hàng loạt những đánh giá khác về  tình trạng dân số. Người cao thường khỏe hơn, giàu có hơn và sống lâu hơn người thấp. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn gợi ý rằng người cao thông minh hơn.

 

Tuy nhiên không phải chiều cao làm cho bạn thông minh hơn, giàu có hơn hay khỏe mạnh hơn. Mà những điều đó đồng hành với những thứ làm bạn cao: như ăn ngon, bổ dưỡng, thời gian thai kỳ cũng như thời niên thiếu được chăm sóc tốt.

 

Chính vì vậy mà chiều cao là một chỉ số tin cậy cho các nhà kinh tế muốn đánh giá một đất nước “chăm sóc” người dân của mình như thế nào trong tiến trình phát triển. Số liệu thống kê đơn giản và dễ thực hiện nhất là các nhà kinh tế có thể đánh giá một xã hội chuẩn bị cho cuộc sống của một đứa trẻ như thế nào.

 

Nguyên nhân

 

Trong suốt nhiều năm nhà nghiên cứu Komlos cùng nhiều người khác đã cố gắng đi tìm câu trả lời chính xác cho nguyên nhân khiến Mỹ bị tụt hậu về chiều cao. Làm sao một đất nước giàu có nhất thế giới, trong suốt quá trình phát triển kinh tế vượt bậc nhất lịch sử, lại có thể ngừng “lớn lên” được?

 

“Đây là vấn đề rất được quan tâm”, Eileen Crimmins, nhà nhân khẩu học tại đại học Nam California cho biết. “Có thể chúng ta đã đạt đến đỉnh điểm chiều cao nên chúng ta sẽ phải quay trở lại”.

 

Giống như rất nhiều đặc điểm của con người, chiều cao do yếu tố gen và môi trường quyết định. Một số chuyên gia cho rằng gen chiếm 40% và một số lại đưa ra con số cao hơn 70%. Tuy nhiên tất cả họ đều đồng ý rằng ngoài người lùn Pích-mi ở châu Phi và một số trường hợp ngoại lệ khác, hầu hết mọi người đều có gen quy định tiềm năng phát triển chiều cao như nhau.

 

Như vậy yếu tố còn lại là môi trường sẽ quyết định sự khác biệt về chiều cao của con người trên toàn thế giới, đặc biệt là môi trường từ khi biết nhận thức tới tuổi thanh xuân. Bất kỳ thiếu sót nào, như không được chăm sóc tốt trong thời kỳ còn trong bụng mẹ đến bệnh tật thời niên thiếu hay suy dinh dưỡng, đều có thể cản trở con người không đạt được chiều cao tối đa của mình.

 

“Môi trường có thể ảnh hưởng từ 7 đến 12cm chiều cao”, H. Steckel, nhà kinh tế thuộc đại học bang Ohio cho biết. Ông cũng đã làm nghiên cứu về xu hướng phát triển chiều cao của người Mỹ trong thế kỷ 19.

 

Như vậy giai đoạn đầu tiên của con người đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển chiều cao. Khi được 2 tuổi, có khoảng 70% tương quan giữa chiều cao của đứa trẻ và vóc dáng của chúng khi đến tuổi trưởng thành. Tất cả điều này có nghĩa là chiều cao trung bình của dân số là thước đo hết sức nhạy cảm cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em ở một nước.

 

Không có gì ngạc nhiên khi các nước giàu có xu hướng cao hơn, đơn giản bởi họ có điều kiện chăm sóc thế hệ trẻ tốt hơn. Nhưng sự giàu có không có nghĩa là sẽ đảm bảo xã hội đó sẽ cung cấp đủ cho bọn trẻ những gì chúng cần để phát triển.

 

Ví dụ như ở Cộng hòa Séc, bình quân đầu người chỉ bằng một nửa Mỹ, nhưng người Séc vẫn cao hơn người Mỹ. Và người Bỉ cũng vậy, mặc dù thu nhập của họ chỉ bằng 84% người Mỹ.

 

Trong nghiên cứu mới nhất, được xuất bản trong số tháng 6 trên Social Science Quarterly, Komlos cho rằng cách ăn uống nghèo dinh dưỡng cùng với hệ thống chăm sóc y tế đắt đỏ không công bằng của Mỹ chính là “thủ phạm” khiến nước Mỹ ngừng “lớn lên”.

 

Ngoài ra, những số liệu gần đây nhất của Komlos chỉ ra rằng có sự khác biệt về chiều cao giữa người Mỹ da trắng sinh những năm 1975 và 1983. Ngoài ra còn có sự khác biệt về chiều cao giữa người Mỹ ở nông thôn và thành thị.

 

Tuy nhiên Komlos vẫn chưa tìm ra lý do lớn nhất vì sao người Mỹ lại bị tụt hậu so với các nước giàu khác về chiều cao. Có vẻ như có nhiều yếu tố kết hợp: một chút do vấn đề chăm sóc sức khỏe, một chút do cách ăn uống, một chút do sự bất cân bằng về kinh tế.

 

Nguyên Hạ

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm