Người Hy Lạp hối hả tới ngân hàng sau 3 tuần đóng cửa
(Dân trí) - Ngay sau khi các ngân hàng Hy Lạp mở cửa trở lại trong sáng 20/7 sau 3 tuần “nghỉ lễ”, người Hy Lạp đã đổ xô đi rút tiền. Hạn mức mới rút tiền được nâng lên ở mức 300 euro/ngày, nhưng việc chuyển tiền ra nước ngoài vẫn bị kiểm soát.
Hãng tin AFP dẫn lời chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Hy Lạp Louka Katseli cho biết, hạn mức rút tiền 300 euro/ngày sẽ được áp dụng tới hết ngày thứ Sáu, trước khi hạn mức mới 420 euro/ngày có hiệu lực từ tuần sau.
Trước đó, các ngân hàng Hy Lạp đã phải đóng cửa suốt từ hôm 29/6 vì khủng hoảng nợ trầm trọng. Ước tính nền kinh tế nước này đã thiệt hại khoảng 3 tỷ euro do thị trường hàng hóa bị thiếu hụt còn xuất khẩu bị gián đoạn.
Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn mới chỉ giúp người dân Hy Lạp có thêm tiền mặt. Giao dịch chuyển tiền cho ngân hàng nước ngoài và mở tài khoản mới tiếp tục bị cấm.
Trong hôm nay (20/7), chính phủ Hy lạp sẽ phải trả khoảng vay 4,2 tỷ euro cho ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), sau khi được Liên minh châu Âu phê duyệt khoản vay khẩn cấp 7,16 tỷ euro hôm thứ Sáu vừa qua. Khoản cứu trợ này cũng sẽ giúp Athens có tiền trả khoản nợ IMF, đã quá hạn từ cuối tháng 6.
Đổi lại các khoản cứu trợ trị giá tổng cộng 86 tỷ euro, Hy Lạp phải chấp thuận nhiều điều khoản cải cách tài khóa hà khắc, bao gồm tăng thuế, cải cách hệ thống lương hưu và cổ phần hóa doanh nghiệp.
Từ thứ Hai, thuế giá trị gia tăng với hầu hết các mặt hàng, từ đường tới xe taxi, dịch vụ mai táng…đều tăng từ mức 13% lên 23%. Riêng thuế dược phẩm, sách báo được giảm từ 6,5% xuống 6%.
Katseli cho biết, tính từ tháng 12 tới nay, khoảng 40 tỷ euro đã bị rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp, khiến các ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà hối thúc người dân gửi tiền trở lại vào ngân hàng để hỗ trợ hệ thống tài chính vượt qua khó khăn.
“Nếu chúng ta lấy tiền ra khỏi két sắt ở nhà và gửi vào ngân hàng, chúng ta sẽ giúp tăng cường thanh khoản”, bà Katseli nói.
Dù vậy, có vẻ như ít ai muốn làm vậy. Ngay từ sáng sớm, chi nhánh các ngân hàng tại Athens đều đã có đông người đứng xếp hàng chờ đến giờ mở cửa.
Trong khi đó, số khác tin rằng tình hình mới chỉ được cải thiện rất ít. “Thách thức chính hiện nay là chúng tôi không thể thanh toán cho các nhà cung cấp, mà điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không còn hàng hóa để bán”, Vassilis Masselos, một kiến trúc sư khẳng định với BBC.
Với khoản nợ công lên tới 320 tỷ euro, tương đương hơn 170% GDP, Hy Lạp về lâu dài cần được xóa nợ lớn mới có thể giúp nền kinh tế ổn định trở lại. Cả Athens và chủ nợ IMF đều đang hối thúc châu Âu về điều này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố sẽ không có chuyện xóa nợ theo cách như trước đây. Bà Merkel chỉ hé lộ rằng các biện pháp khác như tăng thời hạn trả nợ hoặc giảm lãi suất có thể được xem xét sau khi các chi tiết của chương trình cải cách mới nhất được đưa ra.
Theo AFP, BBC