Người hưu trí Việt Nam dưới ống kính phóng viên nước ngoài
(Dân trí) - Đôi nét về đời sống của người già về hưu tại Việt Nam dưới ống kính của phóng viên BBC.
Cảnh thể dục buổi sáng thường thấy của người hưu trí tại Hà Nội. Tuổi về hưu ở Việt Nam thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ, trong khi tuổi thọ trung bình ở Việt Nam năm 2009 là 72,8.
Những cặp vợ chồng già thường đi bộ trước khi ngồi nghỉ ở một góc yên bình bên Hồ Hoàn Kiếm. Theo dự đoán của Liên hợp quốc, dân số Việt Nam sẽ ngày một già đi trong những năm tới.
Sau bài tập, họ thường xếp thành hàng và mát xa lưng cho nhau. Số người tuổi từ 60 trở lên ở Việt Nam năm 2005 là 6,5 triệu và dự kiến sẽ tăng lên 31,3 triệu vào năm 2050.
Tập thể dục buổi sáng cũng là cách để những người già duy trì hoạt động xã hội.
Bà Thoa tự hào khoe ảnh của bà chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi bà còn là một nghệ sỹ phục vụ quần chúng 40 năm trước. Chồng bà cũng dành trọn đóng góp của mình trong quân ngũ.
Năm 1986, khi 47 tuổi, bà Thoa nghỉ hưu sau 30 năm phục vụ trong quân ngũ. Rồi bà mở một tiệm cắt tóc để kiếm tiền thêm, khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế.
Ông Hồng tình nguyện nhập ngũ năm 1945, khi mới 20 tuổi và cống hiến trọn vẹn những năm tháng lao động của mình trong quân ngũ trước khi nghỉ hưu.
Bà Hà, vợ ông, một giáo viên về hưu, cũng tìm nhiều cách để kiếm thêm, thậm chí cả sau khi về hưu. Nhưng giờ bà có thể nghỉ ngơi, theo đuổi thú vui vườn tược và chăm sóc chồng.
Ông Hồng và vợ cho biết tiền lương hưu của họ chỉ đủ để chi tiêu hàng ngày. Lương hưu vẫn tăng mỗi năm, nhưng một số nhà kinh tế cho rằng chính sách lương hưu cần phải được cải cách nếu không, ngân quỹ này sẽ cạn kiệt vào năm 2040.
Phan Anh
Theo BBC