Người Hồng Kông trong cuộc bầu cử lập pháp quan trọng
(Dân trí) - 3,5 triệu cử tri đặc khu hành chính Hồng Kông hôm qua đã đi bầu cơ quan lập pháp mới, nhiệm kỳ 4 năm, với trọng tâm là việc làm và tham nhũng...
Mối quan hệ với Đại lục là một trong những trọng tâm của cuộc bầu cử kỳ này tại Hồng Kông.
Cuộc bầu cử được diễn ra một ngày sau khi chính quyền Hồng Kông bỏ kế hoạch đưa các bài giảng yêu tổ quốc Trung Hoa vào trong trường học. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên 40 trong tổng số 70 ghế (tăng 10 ghế so với kỳ bầu trước) của “Hội đồng lập pháp” được bầu trực tiếp.
Trong số 40 được bầu trực tiếp có 35 ghế sẽ được cử tri ở mỗi đơn vị chọn trực tiếp và 5 ghế do cử tri toàn lãnh thổ bầu lên. 5 “đại dân biểu” này là điểm cải cách thứ hai theo hướng mở rộng dân chủ năm 2010. Phần còn lại được gọi là đại biểu của các tổ hợp nghề nghiệp và chỉ do những người trong ngành bầu chọn. Ví dụ, đại biểu của ngành du lịch, đại biểu của ngành luật sư...
Cách nay 4 năm, phe dân chủ đối lập nhất là đảng Dân chủ và đảng Công dân đã chiếm đa số 19 ghế trên tổng số 30 ghế bầu trực tiếp.
Kết quả của cuộc bầu cử dự kiến sẽ được công bố vào ngày hôm nay 10/9 và có thể là tiền đề cho kế hoạch bầu lãnh đạo đặc khu hành chính này vào năm 2017, theo như lời hứa của chính quyền Bắc Kinh và Hội đầu lập pháp năm 2020 theo thể thức dân chủ thật sự, tức là theo phổ thông đầu phiếu trực tiếp.
Theo AFP, cuộc bầu cử “Hội đồng lập pháp” lần này tại Hồng Kông khó có thể đưa đến kết quả bất ngờ.
Tỉ lệ đi bầu kỳ này đạt hơn 50%, cao hơn kỳ bầu cử năm 2008. Vấn đề trọng tâm quan tâm trong kỳ bầu cử lần này là việc làm, tham nhũng và mối quan hệ giữa Hồng Kông và Đại lục, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về dòng khách tới thăm từ Đại lục ngày càng gia tăng.
Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1999 và hiện được hưởng cơ chế bán tự trị.
Vũ Quý
Theo BBC, AFP