1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung quanh cuộc chiến chống IS:

"Người đẹp Kangaroo" trong hàng ngũ IS

Số thiếu nữ Úc gia nhập hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng nhiều và vượt qua cả Pháp, quốc gia xuất khẩu hàng đầu các “cô dâu thánh chiến”.

Nữ chiến binh thánh chiến Sajida al-Rishawi
Nữ chiến binh thánh chiến Sajida al-Rishawi

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Canberra ngày 25/1, Bộ trưởng Tư pháp Úc George Brandis nói: “Chỉ mới khoảng sáu tháng trước đây, chúng tôi hầu như chỉ lo ngại về các thanh niên trẻ. Nhưng kết quả một cuộc điều tra mới đây của các cơ quan an ninh quốc gia cho thấy con số các thiếu nữ trẻ đang rời khỏi Úc để tham dự vào cuộc chiến đang gia tăng”.

Ông Brandis cho hay hiện có khoảng 90 công dân Úc đang chiến đấu trong hàng ngũ IS, so với con số 70 hồi năm ngoái.

Ngay cả số người trẻ “bị xúi giục và lôi kéo ngay tại Úc bởi các hào quang sai lầm để tham dự vào hàng ngũ IS” cũng đang gia tăng. Theo Bộ trưởng Tư pháp, người dân Úc cần phải hiểu rằng đây là một vấn đề thực sự đang diễn ra và ngày càng trầm trọng.

Chính phủ Canberra đã thông qua luật theo đó coi là phạm tội hình sự những ai đến vùng hoạt động của thành phần khủng bố mà không có lý do chính đáng, lo ngại rằng khi họ trở về nước sẽ mang theo những gì học được để mở cuộc chiến ngay tại Úc.

Ước tính có đến 10% phụ nữ trong số những người phương Tây gia nhập hàng ngũ IS. Họ bị cám dỗ bởi lý tưởng về một Nhà nước Hồi giáo thực sự. Cho tới gần đây, Pháp dường như là nước xuất khẩu nữ chiến binh thánh chiến hàng đầu. Trong số gần 1.000 người nhóm thánh chiến này tuyển mộ được từ Pháp, có hơn 60 người là nữ giới.

Katherine Brown, giảng dạy tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng của đại học King College ở London, chuyên phân tích các trang mạng xã hội để tìm hiểu lý do vì sao phụ nữ phương Tây tham gia phong trào thánh chiến Hồi giáo. Bà nói: “Phụ nữ tham gia vào các tổ chức cực đoan và đến các quốc gia Hồi giáo vì cả lý do cá nhân lẫn lý do chính trị…Tôi thực sự không đồng ý với ý kiến cho rằng lý do chỉ là về mặt cảm xúc, chỉ là về việc đi kiếm cho mình một người chồng, chỉ là một cái gì đó bốc đồng hay thiếu lý trí”. Bà nói rằng đúng là có một số người đến những nơi này để trở thành cái gọi là “cô dâu thánh chiến”. Nhưng những người khác thực sự bị lôi kéo vì viễn cảnh về một quốc gia Hồi giáo đầy lý tưởng, một hình ảnh mà nhóm IS cố gắng thuyết phục mọi người, bất chấp những phương pháp dã man của nhóm này.

Nhà nhân chủng học người Pháp Dounia Bouzar cho hay trong khi đàn ông bị hấp dẫn với những lý do kinh điển liên quan tới việc chống lại ác quỷ, những kẻ tuyển mộ sử dụng lý do nhân đạo để lôi kéo phụ nữ tham gia. “Cách chiêu dụ đầu tiên của những kẻ tuyển mộ là thuyết phục phụ nữ tin rằng họ phải chết trên mảnh đất thánh thần để bảo vệ những người mà họ yêu thương. Điều thứ hai là nhu cầu hoạt động nhân đạo ở đó, và điều này thu hút rất nhiều phụ nữ muốn làm những việc liên quan tới y tế, y tá, xã hội, những công việc có tính vị tha” - chuyên gia Bouzar nhận xét.

Vai trò của phụ nữ trong IS được đặc biệt coi trọng. Trong nội dung đoạn video mới nhất do IS đăng tải vào ngày 24/1, thay vì đòi tiền chuộc 200 triệu USD như lần trước, IS lại yêu cầu trao đổi con tin người Nhật lấy việc thả tự do cho một nữ tù nhân Hồi giáo, tên Sajida al-Rishawi. Thị này nổi tiếng khắp thế giới vào năm 2005 với vụ đánh bom tự sát hụt tại một khách sạn ở Jordan. Ngay sau đó, Sajida al-Rishawi bị quân đội Jordan bắt giữ và giam cầm cho đến nay.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes