1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người đàn bà quyền lực nhất chế độ diệt chủng Khmer Đỏ hầu tòa

(Dân trí) - Ieng Thirith, cựu Bộ trưởng phúc lợi xã hội thời Khmer Đỏ hôm qua lần đầu tiên xuất hiện trước tòa án xử tội diệt chủng được Liên hợp quốc ủng hộ tại Campuchia.

Ieng Thirith, 76 tuổi, là một trong những thành viên sáng lập của Khmer Đỏ và là người phụ nữ quyền lực nhất của Khmer Đỏ. Chồng bà, Ieng Sary, là Bộ trưởng ngoại giao dưới thời Khmer Đỏ và em gái của bà đã kết hôn với lãnh đạo Khmer Đỏ, Pol Pot.

 

Ieng Thirith đang xin tại ngoại sau khi bị buộc tội chống lại loài người trong suốt 4 năm cầm quyền tàn bạo của Khmer Đỏ cuối những năm 1970.

 

3 trong số 5 cựu lãnh đạo Khmer Đỏ bị tòa án giam giữ trong khi chờ xét xử đã xin được tại ngoại, song đều bị từ chối. Trong số này có Khieu Samphan, 76 tuổi, phải nhập viện vào sáng ngày hôm qua do bị huyết áp cao. Theo người phát ngôn của tòa án, ông Reach Sambath, tình trạng sức khỏe của Khieu Samphan không nghiêm trọng song “cần phải được quan tâm”. Được biết, cựu lãnh đạo Khmer Đỏ này đã cố viết sách nên bị stress.

 

Các công tố cho hay, khi còn làm Bộ trưởng phụ trách phúc lợi xã hội, Ieng Thirith biết sự việc hàng chục ngàn người bị chết đói và chết vì bệnh tật trên những cánh đồng bạo tàn thời Khmer Đỏ, tuy nhiên bà ta đã không làm gì để ngăn chặn thảm họa đó.

 

Bản thân Ieng Thirith cho rằng mình không làm điều gì sai. Tại tòa, luật sư của Ieng Thirith khẳng định bà cần được điều trị cả về tâm lý cũng như sức khỏe.

 

Dự kiến tháng sau tòa án sẽ đưa ra phán quyết về đề nghị được tại ngoại của Ieng Thirith. Các phiên xét xử người phụ nữ quyền lực nhất thời Khmer Đỏ sẽ được nối lại vào cuối năm nay.

 

Khmer Đỏ cầm quyền ở Campuchia từ năm 1975-1979. Trong suốt thời gian này ước tính 1,7 triệu người đã bị chết vì đói khát hoặc vì phải làm việc quá sức. Hàng trăm ngàn người thuộc tầng lớp trí thức trung lưu đã bị tra tấn và bị hành quyết. Chế độ diệt chủng đã cố gắng xây dựng một xã hội không tưởng, bằng cách xóa bỏ trường học, tôn giáo và tiền tệ.

 

Phan Anh

Theo BBC