Người chồng thầm lặng phía sau San Suu Kyi
Chuyện tình của người phụ nữ quyền lực nhất Myanmar nghe giống như những bộ phim Hollywood: một cô gái xinh đẹp, sắc sảo, dè dặt tới từ phương Đông gặp một chàng trai bảnh bao và nồng nhiệt tới từ phương Tây.
Bà Aung San Suu Kyi - người đứng đầu Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ Myanmar
Aung San Suu Kyi sinh ra ở Rangoon, Myanmar vào năm 1945. Bà là con út trong gia đình 3 con. Thời thơ ấu, bà sống ở quê nhà, sau đó bà cùng mẹ - lúc đó được bổ nhiệm làm Đại sứ Myanmar tại Ấn Độ - sang nước này sinh sống. Thời trung học, bà được học ở cả Myanmar và Ấn Độ
Năm 1964, bà được người mẹ quảng giao gửi sang học Chính trị, Triết học và Kinh tế tại Oxford – nơi mà người giám hộ đã giới thiệu bà với Michael Aris. Lúc đó, ông đang học Lịch sử ở ĐH Durham nhưng luôn có niềm đam mê đặc biệt với đất nước Myanmar và bà là hiện thân cho tình yêu tuyệt vời của ông với phương Đông.
Chuyện tình của người phụ nữ quyền lực nhất Myanmar nghe giống như những bộ phim Hollywood: một cô gái xinh đẹp, sắc sảo, dè dặt tới từ phương Đông gặp một chàng trai bảnh bao và nồng nhiệt tới từ phương Tây.
Kết quả của chuyện tình đẹp này là lời cầu hôn của Michael giữa những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng của Myanmar – nơi mà ông được thuê làm gia sư cho gia đình hoàng gia. Tuy nhiên, khi chấp nhận lời cầu hôn, bà đưa ra một đề nghị: Nếu đất nước cần, bà sẽ ra đi. Và ông đã đồng ý.
Bà Suu Kyi và chồng Michael Aris thời trẻ
Suốt 16 năm sau, bà trở thành người vợ, người mẹ hết lòng tận tụy vì chồng con. Như bao bà mẹ khác, bà lo sắp xếp chu đáo các bữa tiệc, chuẩn bị những món ăn cầu kỳ cho bọn trẻ. Bà thậm chí còn khăng khăng đòi là tất cho chồng và tự mình lau dọn nhà cửa.
Cho tới một buổi tối yên bình vào năm 1988 khi bà đang cùng chồng ngồi đọc sách ở Oxford thì nhận được một cú điện thoại thông báo mẹ bà bị đột quỵ.
Ngay lập tức, bà đáp chuyến bay tới Rangoon – chuyến đi mà bà dự tính chỉ mất vài tuần.
Nhưng khi tới nơi, bà chỉ thấy một thành phố hỗn loạn, những cuộc đối đầu bạo lực với quân đội đẩy đất nước đi vào bế tắc. Và khi tới bệnh viện thành phố Rangoon chăm sóc mẹ, bà thấy giường bệnh đầy những sinh viên bị thương và đã chết.
Lúc đó, một đại diện của giới học giả đề nghị bà dẫn đầu phong trào đòi dân chủ, bà đồng ý và nghĩ rằng khi nào bầu cử kết thúc, bà sẽ nhanh chóng trở về Oxford. Chỉ hai tháng trước, bà vẫn đang là một bà nội trợ hết lòng vì chồng con, còn giờ đây bà dẫn đầu cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại chế độ.
Ở Anh, Michael chỉ biết âm thầm theo dõi tin tức về sự nổi tiếng nhanh chóng của vợ, trong khi quân đội gây phiền nhiễu mỗi bước đi của bà. Nhiều thành viên trong Đảng của bà bị bắt giữ và tra tấn. Michael lo sợ vợ mình có thể bị ám sát giống như bố vợ ông. Năm 1989 khi bà bị quản thúc tại nhà, niềm an ủi duy nhất của ông là ít nhất bà cũng được an toàn ở đó.
Bấy giờ, Michael mới đáp lại tất cả những năm tháng bà Suu tận tụy vì chồng con bằng cách làm của riêng mình. Ông bắt tay vào một chiến dịch cấp cao nhằm xây dựng hình ảnh của bà trở thành một biểu tượng quốc tế để quân đội không dám làm gì ảnh hưởng tới tính mạng bà. Tuy nhiên, ông đã rất thận trọng để chuyện này không lộ ra ngoài, bởi vì khi bà nổi lên như một người lãnh đạo phong trào dân chủ mới, quân đội đã dựa vào cái cớ bà kết hôn với một người nước ngoài để xuyên tạc sự thật trên truyền thông Myanmar.
Bà Suu Kyi nhận bằng Tiến sĩ danh dự của ĐH Oxford năm 2012
5 năm sau, khi 2 con trai bà đã trở thành những chàng trai, bà vẫn bị quản thúc tại gia và bị cô lập. Bà dành thời gian để thiền, đọc về đạo Phật, nghiên cứu các bài viết của Mandela và Gandhi. Michael chỉ được thăm vợ 2 lần duy nhất trong suốt thời gian đó. Tuy nhiên, đây là một loại giam giữ rất đặc biệt, vì bất cứ lúc nào bà đều có thể yêu cầu được đưa tới sân bay để trở về Anh.
Nhưng hai vợ chồng bà chưa từng nghĩ tới điều đó. Là một nhà sử học, Michael luôn cố gắng tiếp tục gây áp lực cho các nhà chính trị phía sau hậu trường. Ông biết rằng vợ mình đã trở thành một phần của lịch sử. Ông trang trí những bức tường bằng giấy chứng nhận của nhiều giải thưởng mà bà được trao, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1991. Phía trên giường ông nằm, ông treo một bức ảnh lớn của bà.
Trong suốt thời gian dài đằng đẵng đó, ông từng sợ rằng bà có thể sẽ chết. Và thứ kỳ lạ duy nhất mà những người qua đường nói lại khiến ông phần nào yên tâm là tiếng đàn piano vang lên từ trong ngôi nhà. Nhưng thời tiết ẩm thấp của Đông Nam Á đã khiến chiếc đàn bị hỏng. Manh mối duy nhất của ông cũng không còn nữa.
Đến năm 1995, Michael bất ngờ nhận được điện thoại từ vợ. Bà gọi từ Đại sứ quán Anh và cho biết bà lại được trả tự do. Michael và các con được cấp visa bay qua Myanmar.
Bà Suu Kyi gặp lại con trai Kim Aris sau nhiều năm xa cách
Khi gặp Kim – con trai út, bà vô cùng ngạc nhiên khi thấy con đã trở thành một người đàn ông. Bà thừa nhận sẽ không nhận ra con nếu gặp trên đường.
Câu hỏi đầu tiên mà nhiều người phụ nữ đặt ra khi câu chuyện của bà được dựng thành bộ phim “The Lady” là làm thế nào mà bà có thể bỏ lại các con. Con trai út Kim đã trả lời thay mẹ: “Bà đã làm những gì phải làm”. Bản thân bà Suu Kyi từ chối trả lời về chủ đề này, dù vậy bà thừa nhận rằng những giây phút tăm tối nhất là khi “tôi sợ rằng bọn trẻ đang cần tôi”.
Bộ phim The Lady kể lại câu chuyện cuộc đời người phụ nữ này
Chuyến gặp gỡ năm 1995 là lần cuối cùng Michael và Suu được phép gặp nhau. 3 năm sau, ông phát hiện mắc ung thư. Ông gọi cho vợ để thông báo và ngay lập tức nộp đơn xin visa để nói lời từ biệt. Khi visa bị từ chối, ông tiếp tục gửi đơn thêm hơn 30 lần nữa. Giáo Hoàng và Tổng thống Clinton viết thư can thiệp giúp ông nhưng đều vô ích. Cuối cùng, một quan chức của quân đội tới gặp bà và nói rằng bà có thể nói lời từ biệt chồng nhưng chính bà phải là người quay về Oxford.
Sự lựa chọn ngầm đã ám ảnh bà suốt 10 năm xa cách giờ đây trở thành một tối hậu thư rõ ràng: đất nước hay là gia đình. Nếu bà rời Myanmar, cả hai đều biết rằng đó sẽ là một cuộc lưu đày vĩnh viễn. Tất cả những nỗ lực đấu tranh từ trước tới giờ đều trở nên vô nghĩa.
Anh trai sinh đôi của Michael – Anthony kể rằng, khi Suu nhận ra mình sẽ không bao giờ được gặp Michael nữa, bà đã mặc chiếc váy có màu mà ông yêu thích nhất, cài một bông hoa hồng lên tóc rồi tới Đại sứ quán Anh - nơi bà ghi lại những thước phim tạm biệt chồng và nói rằng tình yêu của ông dành cho bà vẫn còn mãi. Đoạn phim bí mật được chuyển ra nhưng khi tới nơi thì Michael đã qua đời 2 ngày trước.
Bi kịch là sau 10 năm liên tục đấu tranh để đảm bảo sự an toàn cho vợ, Michael qua đời mà chưa kịp nói lời từ biệt vợ mình.
Không ai biết tới vai trò thầm lặng của ông Michael bởi ông đã cố gắng giữ gìn quá lâu để gia đình không bị nhòm ngó. Câu chuyện chỉ được công khai khi các con trai của họ đã trưởng thành và khi Michael qua đời. Bạn bè và người thân của họ cho rằng đã đến lúc cần phải chia sẻ một cách cởi mở và tự hào về vai trò thầm lặng của ông trong suốt quá trình đấu tranh của người phụ nữ có tinh thần thép này.
Theo Nguyễn Thảo/Telegraph, Biographies
Vietnamnet