1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người biểu tình Thái xuống đường ủng hộ “đóng cửa” Bangkok

(Dân trí) - Những người biểu tình muốn lật đổ Thủ tướng Thái Lan ngày 7/1 đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Bangkok để kêu gọi sự ủng hộ cho các nỗ lực của họ nhằm “đóng cửa” thủ đô vào tuần tới bằng cách chặn các con đường chính và ngăn chính phủ hoạt động.

Một người biểu tình cầm tấm biển kêu gọi lật đổ gia tộc Shinawat tại Bangkok ngày 9/12/2013.
Một người biểu tình cầm tấm biển kêu gọi lật đổ gia tộc Shinawat tại Bangkok ngày 9/12/2013.
 
Ít nhất 5.000 người biểu tình hôm nay đã khởi hành từ khu biểu tình chính ở Tượng đài Tự do để tuần hành tới khu vực Thonburi của thủ đô Bangkok và quay trở lại nhưng tránh khu vực trung tâm thành phố.

Cuộc tuần hành là nhằm khởi động cho chiến dịch “đóng cửa” Bangkok bắt đầu từ ngày 13/1 của lực lượng biểu tình chống chính phủ.

Trong một kế hoạch tương tự như phong trào “Chiếm phố Wall” tại Mỹ hồi năm 2011, phe biểu tình chống chính phủ từ ngày 13/1 tới dự kiến sẽ phong tỏa các địa điểm quan trọng ở thủ đô Bangkok, ngăn cản các quan chức chính phủ tới công sở, cắt điện, nước ở các cơ quan trung ương cũng như tư dinh của Thủ tướng Yingluck và nội các của bà.

Thủ lĩnh phe biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban cho hay chiến dịch “đóng cửa” Bangkok, dự kiến kéo dài 10-20- ngày, nhằm gây khó khăn cho chính phủ và buộc chính phủ phải tuân thủ theo “các yêu cầu của nhân dân”.

Thủ tướng Thái Lan lâm thời Yingluck Shinawatra đã kêu gọi bầu cử vào ngày 2/2 nhưng những người biểu tình - vốn dự đoán rằng bà Yingluck sẽ tiếp tục giành chiến thắng nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân ở vùng bắc và đông bắc Thái Lan - muốn bà từ chức và được thay thế bằng “hội đồng nhân dân” để thúc đẩy cải cách bầu cử.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bangkok đã bùng phát kể từ cuối năm 2013 nhưng hầu hết là diễn ra hòa bình, mặc dù các vụ xô xát giữa cảnh sát và những người biểu tình một số người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Giới chức cho hay, khoảng 20.000 cảnh sát, được hỗ trợ bởi quân đội, sẽ được triển khai trên các đường phố Bangkok vào ngày 13/1, ngày đầu tiên của chiến dịch “đóng cửa” Bangkok.

“Chúng tôi dự đoán rằng sẽ có các đám đông lớn vào ngày thứ 2 và lo ngại về khả năng xảy ra bạo lực, đặc biệt là các bên thứ 3 âm mưu kích động bạo lực”, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr hôm nay cho biết.

Ông Paradorn không nói rõ “các bên thứ 3” là bên nào, nhưng dù bạo lực từ bên nào cũng có thể khiến quân đội phải can thiệp để phục hồi trật tự.

“Các binh sĩ sẽ bảo vệ các văn phòng chính phủ quan trọng và cảnh sát sẽ giám sát các vụ xô xát trên đường phố. Nếu tình hình xấu đi, thủ tướng có thể quyết định lệnh giới nghiêm… nhưng quyết định này sẽ do thủ tướng đưa ra”, ông Paradorn nói.

Quân đội sẽ đưa xe tăng vào Bangkok
 
Những lo ngại về sự can thiệp của quân đội trong cuộc khủng hoảng chính trị lần này đang gia tăng. Các lo ngại xuất phát từ việc quân đội di chuyển các xe tăng và nhiều trang thiết bị khác vào thủ đô Bangkok phục vụ cuộc duyệt binh nhân Ngày thành lập quân đội vào ngày 18/1 tới.

Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, đã cố gắng không để quân đội dính dáng vào cuộc khủng hoảng nhưng một số bình luận của ông gần đây rất mơ hồ.

Trả lời các câu hỏi của báo giới vào hôm nay 7/1 về tin đồn đảo chính, ông Prayuth nói: “Đừng sợ những điều chưa xảy ra… Nhưng nếu chúng xảy ra, hãy đừng e ngại. Những tin đồn như thế này xuất hiện hàng năm”.

Các thị trường tại Thái Lan đang chịu tác động từ sự bất ổn chính trị. Đồng baht đã rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm, trong khi thị trường chứng khoán đã giảm gần 14% kể từ đầu tháng 11 năm ngoái, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra.

 
An Bình
Tổng hợp