1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Ngựa ô” của bầu cử Tổng thống Mỹ 2008

(Dân trí) - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2008 đang trở nên khó dự đoán hơn trước những thông tin về khả năng nhà tỷ phú Michael Bloomberg sẽ tham gia cuộc chạy đua này.Việc xuất hiện một ứng cử viên độc lập có tiềm lực tài chính như kiểu Bloomberg có thể sẽ là yếu tố gây bất ngờ lớn nhất cho cuộc bầu cử này.

Báo chí Mỹ cho biết Thị trưởng New York M. Bloomberg, người của đảng Cộng hòa, đã sẵn sàng bỏ ra một khoản lớn trong số tài sản trị giá khoảng hơn 1 tỷ USD của ông cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, làm dấy lên những đồn đoán mới về ý định cũng như khả năng tác động của ông này tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008.

 

Những đồn đoán này còn nhắm tới Thượng nghị sỹ Cộng hòa bang Nebraska Chuck Hagel, một nhân vật bảo thủ phản đối cuộc chiến tranh Iraq, hiện cũng đang cân nhắc việc ra tranh cử tổng thống với tư cách ứng cử viên độc lập. Gần đây, ông Hagel và ông Bloomberg đã ăn tối với nhau. Ông Hagel cũng công khai đề cập tới việc sẽ cùng ông Bloomberg, tạo dựng lên một liên danh thứ ba đầy tham vọng nhằm cơ cấu lại bức tranh chính trị và xóa bỏ truyền thống hai đảng lớn thay nhau cầm quyền ở Mỹ.

 

Nỗ lực tranh cử của "bên thứ ba" sẽ tận dụng tâm trạng bất bình của người Mỹ đối với hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Gần đây, 60.000 người đã ký tên tham gia phong trào "Đoàn kết 08" trên mạng Internet nhằm mục đích hậu thuẫn cho tấm vé "độc lập lưỡng đảng" ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Phong trào này do một nhóm các chiến lược gia chính trị kỳ cựu của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lập ra. Họ cho rằng cả hai đảng hiện đang bị chi phối bởi những nhân tố cực đoan nhất và đa số người dân Mỹ đang muốn có một cách tiếp cận trung dung hơn.

 

Bailey, cựu cố vấn cho chiến dịch tranh cử năm 1976 của Tổng thống Gerald Ford và là người sáng lập bản tin chính trị "Đường dây nóng", cho rằng hệ thống chính trị Mỹ hiện đang ở vào thời điểm "lệch hướng". Ông Bailey nói: "Tại nước Mỹ, không có cơ sở cho sự đồng thuận chung và cũng không có khả năng để tìm kiếm sự đồng thuận đó".

 

Ông Bailey cho biết phong trào "Đoàn kết 08", với hy vọng sẽ kết nạp được 2 triệu thành viên tham gia đại hội bầu chọn ứng cử viên trên mạng vào tháng 6/2008, đã tiếp xúc với khoảng 40 ứng cử viên tiềm tàng. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ liệu danh sách này có bao gồm hai ông Bloomberg và Hagel hay không.

 

Mặc dù luôn tránh đề cập tới ý định của mình, song ông Bloomberg gần đây đã có những hành động tựa như một ứng cử viên tổng thống. Ông đã khôi phục trang web tranh cử của mình và gần đây có chuyến công du tới Texas và Oklahoma để công bố kế hoạch triển khai chính sách năng lượng quốc gia. Đây là hai tiểu bang có những thủ tục tương đối khó khăn trong việc giới thiệu các ứng cử viên độc lập ra tranh cử. 

 

Mặc dù, ứng cử viên độc lập sẽ phải đối mặt với những trở ngại to lớn như việc phải đáp ứng các yêu cầu để có thể ra tranh cử ở tiểu bang hay công bố kết quả thảo luận với các tổ chức điều hành chiến dịch tranh cử, nhưng giới phân tích cho rằng ông Bloomberg có đủ tiền để vượt qua nhiều trở ngại thông thường.

 

Ông Hank Sheinkopf, cố vấn chính trị của đảng Dân chủ cho rằng với tư cách là một nhà quản lý và doanh nghiệp gặt hái nhiều thành công, ông Bloomberg có thể sẽ thu hút được lá phiếu từ cả hai đảng.

 

 Lịch sử cho thấy các ứng cử viên không thuộc Dân chủ và Cộng hòa thời gian gần đây đã thu được những thành công nhất định. Gần đây nhất, doanh nhân Ross Perot đã giành được 19% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1992.

 

Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy rằng các ứng cử viên của đảng thứ ba tại Mỹ chỉ thường đóng vai trò là "những kẻ chọc gậy bánh xe" mà thôi. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000, đảng Dân chủ  cáo buộc ứng cử viên Ralph Nader của đảng Xanh đã cướp phiếu của Phó Tổng thống Al Gore, khiến ông này thất bại trước ứng cử viên đảng Cộng hòa George W. Bush.

 

Giới phân tích cũng nhận định rằng mặc dù sự bất bình của công chúng Mỹ đối với hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là khá lớn nhưng điều đó không đồng nghĩa với chiến thắng của bên thứ ba. Chuyên gia phân tích dư luận Karlyn Bowman thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ (AEI), cho biết mặc dù người Mỹ có "tơ tưởng" về bên thứ ba, nhưng họ cũng rất hài lòng với hệ thống chính trị lưỡng đảng hiện nay.

 

K.V

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm