1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ngư dân Anh-Pháp ném đá, bom khói trong cuộc đại chiến giành sò điệp

(Dân trí) - Ngư dân của Anh và Pháp đã tấn công lẫn nhau trên eo biển Anh trong cuộc chiến giành đánh bắt sò điệp trên biển.

Ngư dân Anh-Pháp ném đá, bom khói trong cuộc đại chiến giành sò điệp

Ngư dân Anh, Pháp đại chiến tranh giành sò điệp (Ảnh: BBC)
Ngư dân Anh, Pháp đại chiến tranh giành sò điệp (Ảnh: BBC)

BBC đưa tin, có khoảng 40 tàu ngư dân Pháp đêm ngày 28/8 (giờ địa phương) đã chặn 5 tàu đánh cá lớn của Anh không cho đánh bắt thủy hải sản ở khu vực cách 22 km so với vùng bờ biển Normandy, trong vịnh Seine. Đây là vùng biển có trữ lượng sò điệp dồi dào.

Mặc dù tàu cá Anh được quyền đánh bắt hải sản tại khu vực này, nhưng sự xuất hiện của họ tại đây đã khiến ngư dân Pháp tức giận. Họ cho rằng người Anh đang làm cạn kiệt nguồn hải sản. Chính vì vậy, họ đã tụ tập lại nhằm ngăn chặn các ngư dân Anh.

“Ngư dân Pháp đã yêu cầu ngư dân Anh dừng đánh bắt và hai bên bắt đầu xô xát”, ông Dimitri Rogoff, người đứng đầu ủy ban đánh bắt thủy hải sản Normandy, nói.

Do bị áp đảo hoàn toàn về số lượng, nên các tàu Anh buộc phải rời bỏ khu vực. Hai tàu Anh, Golden Promise và Joanna C quay trở về cảng Brixham với cửa sổ bị ném vỡ. Các ngư dân Anh nói rằng người Pháp đã bao vây họ, ném đá, bom khói và xích kim loại vào tàu của họ, theo Sky News.

Đại diện một cơ quan địa phương Pháp, Ingrid Parrot cho biết cả 2 bên đều ném đồ vào nhau. Không khí từ cả 2 phía đều rất căng thẳng. Tuy có xô xát, nhưng không có thương vong về người.

Theo BBC, mâu thuẫn giữa ngư dân Anh-Pháp đã bắt đầu bùng phát từ 15 năm trước, tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây đã có dấu hiệu xuống thang căng thẳng sau khi 2 bên ký kết một số thỏa thuận.

Tàu cá Anh có thể đánh bắt sò điệp quanh năm, nhưng phía Pháp quy định ngư dân chỉ có thể đánh bắt từ ngày 1/10 đến ngày 15/5 hàng năm. Chính vì vậy, ngư dân Pháp cho rằng đây là quy định bất công và năm nay họ muốn người Anh rời đi do lo ngại trữ lượng hải sản sẽ bị hết khi họ bắt đầu đánh bắt vào ngày 1/10.

Lên tiếng về vụ việc, phía Liên đoàn các tổ chức ngư dân Anh khẳng định hành động của ngư dân nước này là hợp pháp và họ sẽ trao đổi với chính phủ Anh có những biện pháp bảo vệ ngư dân.

Đức Hoàng

Theo BBC