1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ngoại trưởng Ukraine thăm Mỹ, Donbass chìm trong lửa đạn

Kiev tiếp tục duy trì quan điểm dùng sức mạnh ở Donbass, bất chấp hòa đàm Minsk.

Phó Tư lệnh trưởng Lực lượng thường trực chiến đấu Donetsk - ông Eduard Basurin, trong một thông cáo báo chí cho biết, lực lượng quân chính phủ liên tiếp pháo kích tại Donbass.

Quân đội Ukraine, cụm binh lực ATO vùng Donbass pháo kích vào Donetsk.
Quân đội Ukraine, cụm binh lực ATO vùng Donbass pháo kích vào Donetsk.

Tính đến ngày 15/5, các đơn vị quân sự Kiev bắn vào lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng tổng cộng 1.153 quả đạn pháo và súng cối các loại.

Mật độ hỏa lực tập trung cao nhất trên hướng Donetsk: Thị trấn Yasinovataya và những ngôi làng lân cận, 3 khu vực thuộc thành phố Donetsk, thị trấn Dokuchaievsk và sân bay Donetsk.

Các đơn vị quân đội Ukraine đã bắn 218 quả đạn cối 120 mm và 82 mm, hơn 700 đạn súng phóng lựu các loại.

Trên hướng Gorlovka, quân đội Ukraine bắn 5 quả đạn súng cối 82 mm, bắn 164 quả đạn phóng lựu.

Các đơn vị ATO bắn 13 quả đạn pháo cỡ 122 mm và 53 đạn súng cối vào địa phận các làng Kominternovo, Sosnovsky, Tháng Mười, Leninskoi, Dzerzhinsky và Sahanka ở phía nam vùng Donbass.

Ông Eduard Basurin khẳng định: "Theo ghi nhận, việc bắn phá các vị trí lãnh thổ Donetsk đã làm bị thương một người lính của lực lượng vũ trang Donetsk".

Chiến sự ác liệt cho đến ngày 15/5 trùng vào thời điểm cuộc hội đàm của nhóm chính trị về vấn đề bình thường hóa tình hình khu vực Donbass diễn ra tại Minsk.

Cuộc hội đàm diễn ra căng thẳng và không có kết quả bởi phía Ukraine luôn cố gắng tránh né việc thực tế hóa các giải pháp có thể làm giảm căng thẳng.

Bà Natalia Nikonorova, đại diện đối ngoại của Donbass cho biết, phía Ukraine cố gắng lôi kéo các bên tham gia hội nghị vào việc giải thích các kiến nghị theo định dạng Normandy thay vì đối thoại về việc thực tế hóa các biện pháp.

Trong khi đó, những đòi hỏi của Ukraine đã được ghi trong một tài liệu cụ thể, có chữ ký của đại diện hai bên trong cuộc xung đột và được xác nhận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ukraine đang thể hiện việc tiếp tục theo đuổi chiến lược trao quyền cho nhóm định dạng Normandy, thành lập như một cơ chế giám sát, đồng thời giết thời gian cuộc đàm phán bằng việc thảo luận những nội dung được đề xuất nằm ngoài thẩm quyền của nhóm chính trị.

Bình thường hóa vị thế của Donbass là mục tiêu trọng tâm và là vấn đề cơ bản mà cuộc thảo luận được tổ chức ra, nhưng Kiev đã thể hiện rõ ràng không tập trung vào điều này, đồng thời cũng không cung cấp quan điểm của mình bằng văn bản.

Đại diện ngoại giao vùng Donbass cho biết đã nhiều lần đề nghị dự thảo văn bản những quy định sắp có hiệu lực của Bộ luật "Về tình trạng đặc biệt của Donbass", nhưng phía Ukraine không chấp nhận thảo luận, tránh né đối thoại trực tiếp với đại diện của các nước tự xưng tại Donbass.

Những thể hiện một cách công khai của Ukraine đã cho thấy quan điểm không muốn giải quyết tình hình ở miền Đông mà chỉ muốn kéo dài nó để tìm kiếm sự giúp đỡ của các quốc gia thuộc liên minh quân sự châu Âu.

Châu Âu, Mỹ giúp sức, Ukraine không sợ ai (?)

Cùng hôm 15/5, Kiev đã tuyên bố ủng hộ việc Mỹ tham gia vào tiến trình đàm phán về các giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở miền Đông.

Trả lời tờ Wall Street Journal của Mỹ, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin tuyên bố sẽ nỗ lực để chính quyền của Tổng thống Trump đóng vai trò trực tiếp trên bàn đàm phán.

Theo đó, Ukraine có khả năng sẽ tổ chức đàm phán 3 bên giữa Nga, Mỹ và Ukraine song song với hoạt động của nhóm Bộ tứ Normandy về Ukraine (bao gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine).

Ngoại trưởng Ukraine thăm Mỹ
Ngoại trưởng Ukraine thăm Mỹ

Ông Klimkin cho biết đã thảo luận vấn đề này tại các cuộc gặp tuần trước ở Washington với Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence.

Ukraine đang đẩy cuộc chiến về phía chắc chắn có lợi cho mình, và do vậy đã tăng cường các lệnh trừng phạt lên Nga.

Hôm 15/5 cũng là ngày quốc gia này tuyên bố tăng cường trừng phạt các cá nhân và pháp nhân Nga, đồng thời chặn các trang mạng xã hội Nga.

Danh sách mở rộng hiện nay gồm 1.228 cá nhân và 468 thực thể với rất nhiều trường hợp là các nghị sĩ, nhà báo, thẩm phán Toàn án Hiến pháp. Ngoài ra, các thực thể bị gia hạn trừng phạt từ 1 đến 3 năm, còn đối với các cá nhân, thời gian gia hạn là 1, 3, 5 năm hoặc vô thời hạn.

Kiev cũng cấm hoạt động đối với các trang mạng xã hội phổ biến của Nga là VK và Odnoklassniki cùng với công ty tìm kiếm Yandex, Mail.ru.

Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định Moscow hiện chưa sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả, nhưng sẽ không quên nguyên tắc "có đi có lại". Ông cho biết Moscow đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình và sẽ sớm có biện pháp đáp trả hành động của Ukraine.

Cũng theo ông Dmitry Peskov, các biện pháp trừng phạt mới chống Nga của Kiev chính là biểu hiện của một chính sách "không thân thiện và thiển cận trong quan hệ với Nga".

Ông Peskov nhấn mạnh: "Đây là biểu hiện của một chính sách không thân thiện và thiển cận trong quan hệ với Nga. Có lẽ bước tiếp theo trong một chuỗi các bước đi vi phạm quyền lợi của người dân Ukraine trong việc có được cung cấp thông tin này đã làm tổn hại đến lợi ích của chính người dân ở Ukraine".

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì chỉ rõ hành động của Kiev mang động cơ chính trị và đây là "một tội ác chính trị".

Theo bà, chính quyền Kiev đã sử dụng mọi biện pháp nhằm gây áp lực với chính người dân Ukraine, từ việc cấm công dân Ukraine được cảm thụ văn hóa, âm nhạc cũng như các giá trị văn học tồn tại từ thời Liên Xô, cho đến sử dụng các giải pháp quân sự tại vùng đất xung đột ở Donbass, miền Đông Ukraine. Đây là một biện pháp không chỉ chống lại nước Nga, mà còn chống lại chính người dân Ukraine.

Theo Đông Phong

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm