1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh, hối thúc Trung Quốc “kiềm” Triều Tiên

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay đã tới Bắc Kinh và kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình “kiềm tỏa” Triều Tiên, nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 13/4 tại Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 13/4 tại Bắc Kinh.
Sau khi tới Bắc Kinh vào hôm nay 13/4 và có cuộc đàm phán với người đồng cấp Vương Nghị, Ngoại trưởng Kerry đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Tập Cận Bình.  Phát biểu với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho rằng thế giới đang đối mặt với “thời khắc nghiêm trọng”. Ông cho rằng Trung Quốc, với tư cách là đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng, cần phải nỗ lực kiềm chế căng thẳng hiện nay.

 

Ngoài ra, theo ông Kerry, còn có “thách thức Iran và vũ khí hạt nhân, Syria, Trung Đông và các nền kinh tế thế giới đang cần một cú huých”.

 

Sau đó ông Kerry cho biết, ông và ông Tập Cận Bình đã có cuộc nói chuyện “xây dựng và nhìn về tương lai”, song không cho biết chi tiết thêm.

 

Ông Tập Cận Bình không bình luận trực tiếp về Triều Tiên hay nội dung thảo luận của ông với ông Kerry, nhưng cho biết Mỹ-Trung “đang ở giai đoạn lịch sử mới và đã khởi hành tới một xuất phát tốt”.

 

Chuyến công du châu Á 4 ngày của ông Kerry được thực hiện trong bối cảnh có nhiều đồn đoán Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ bắn tên lửa. Triều Tiên đã đưa ra hàng loạt lời tuyên chiến trong thời gian vừa qua, khiến các nước láng giềng cho rằng họ có thể phóng tên lửa vào ngày 15/4 tới, ngày kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 101 của nhà lãnh đạo sáng lập Triều Tiên, cố chủ tịch Kim Nhật Thành.

 

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Kerry với tư cách Ngoại trưởng Mỹ, nhưng ông không có nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc. Thay vào đó, ông phải tìm cách thuyết phục giới chức Trung Quốc dùng ảnh hưởng kinh tế để buộc Triều Tiên hạ nhiệt đe dọa hạt nhân.

 

Nhiều người tiền nhiệm của ông Kerry đã cố gắng đạt được mục tiêu này, nhưng họ vẫn không khiến Bắc Kinh thay đổi chính sách bấy lâu của mình đối với người đồng minh lịch sử, Triều Tiên.

 

Dự kiến, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu riêng. Một số ở Bắc Kinh cho rằng việc Mỹ đặt gánh nặng tháo ngòi các căng thẳng ở Đông Á lên đôi vai Trung Quốc là không công bằng. Thay vào đó, họ lại đòi Washington cần phải làm nhiều hơn nữa để khiến Triều Tiên cảm thấy được an toàn.

 

Tuy nhiên, khi thăm Seoul, ông Kerry đã lên tiếng ủng hộ cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất trong tương lai. Ủng hộ này gần như chắc chắn muốn đặt dấu chấm hết cho chính quyền Bình Nhưỡng hiện nay và biến bán đảo Triều Tiên thành bán đảo trung thành với Washington. Cho đến nay, đó là viễn cảnh mà cả ông Kim Jong-un và Trung Quốc chắc chắn đều không muốn thấy.

 

Triều Tiên được cho là đã di chuyển ít nhất hai quả tên lửa đạn đạo Musudan tới bờ đông, nhưng vào ngày hôm nay, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn các quan chức ở Seoul cho hay không có hoạt động mới nào của các xe chở bệ phóng tên lửa trong hai ngày qua.

 

Kể từ khi Liên hợp quốc áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên hồi tháng 2, lãnh đạo Triều Tiên đã tuyên bố tái khởi đồng lò phản ứng hạt nhân, cắt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc và kêu gọi các nhà ngoại giao nước ngoài rời đi. Triều Tiên cũng nổi giận với cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hiện đang diễn ra ở Hàn Quốc.

 

Mặc dù những đe dọa của Triều Tiên lần này khác thường, song giới phân tích cho rằng nó hoàn toàn phù hợp với “kiểu” của nước này bấy lâu nay và có thể chỉ nhằm để củng cố tiếng tăm cho ông Kim Jong-un, người lên nắm quyền một năm trước.

 

Phan Anh

Theo BBC