Ngoại trưởng Mỹ Kerry đến Nga: Xua tan “băng giá” về Syria?
Dù khó đạt được đột phá, triển vọng về việc hợp tác Nga-Mỹ liên quan đến vấn đề Syria lại được nhen lên sau chuyến thăm của ông Kerry.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 24/3 đã đến Nga để thảo luận về tình hình Syria và Ukraine với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Sergei Lavrov.
Đây đã là chuyến thăm Nga thứ 3 của ông Kerry chỉ trong vòng chưa đầy một năm và là chuyến thăm đầu tiên của ông sau khi ông Putin tuyên bố rút quân khỏi Syria hồi đầu tháng này.
Chưa thể đột phá nhưng vẫn thắp lên hy vọng
Không chỉ mang lại niềm hy vọng về một giải pháp cho tình hình Syria hay Ukraine, chuyến thăm của ông Kerry còn thắp lên hy vọng rằng tình trạng “Chiến tranh Lạnh” trong 2 năm vừa qua giữa Nga và Mỹ có thể sắp “tan băng” nhường chỗ cho mối quan hệ hợp tác trong những vấn đề mang lại lợi ích thiết thực hơn.
Bất chấp các lệnh trừng phạt cùng nhiều lần “khẩu chiến” ác liệt giữa Washington và Moscow, những bước tiến đã đạt được tại Syria cho thấy cả hai nước vẫn là đối tác không thể tách rời trong việc giải quyết tình hình xung đột tại Syria.
Cả Nga và Mỹ đều hy vọng, chuyến thăm của ông Kerry sẽ giúp hai bên đạt được sự nhượng bộ lớn hơn bởi cả hai nước đều hiểu rằng, một chuyến thăm chỉ kéo dài có 2 ngày khó có thể tạo nên đột phá. Dù vậy, chuyến thăm này cũng được cho là “tín hiệu” để quan hệ hai bên bình thường trở lại nếu không muốn nói là thân thiết.
“Những người thân cận với Tổng thống Nga Putin đều hiểu rằng, việc Nga-Mỹ đối đầu nhau trong mọi vấn đề trên thế giới và nói chuyện với nhau như thể kẻ thù không thể kéo dài mãi mãi”, ông Viktor Kremeniuk, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ-Canada tại Nga nhận định.
Cái bắt tay giữa ông Putin (trái) và ông Kerry đã bớt phần lạnh nhạt.
Nga đang “nắm lợi thế trong tay”
Sau gần 6 tháng tiến hành chiến dịch không kích ở Syria, Nga dường như đã giành được ưu thế trên bàn đàm phán và giờ mọi quyết định liên quan đến việc chuyển giao quyền lực ở Syria sẽ phải “qua tay” Nga.
Trước đó, khi tuyên bố rút quân khỏi Syria, Tổng thống Putin khẳng định Nga đã đạt được những mục tiêu chính của mình. Việc Nga rút quân đã buộc ông Kerry phải ngay lập tức đến Nga với hy vọng có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình tại quốc gia đang chìm trong vòng xoáy nội chiến này.
Ông Fyodor Lukyanov, Biên tập viên của tờ Global Affairs nhận định, dù không mấy mặn mà trong việc cải thiện quan hệ với Nga nhưng Mỹ đang ở thế buộc phải hợp tác với Nga mới mong có thể đạt được một giải pháp triệt để cho tình hình ở Syria.
Điều này có thể mở ra một kỷ nguyên “tham gia có chọn lọc” khi hai bên sẽ đàm phán một cách cởi mở đối với những vấn đề mà họ có thể hợp tác với nhau và sẵn sàng “đổi giọng” khi gặp phải những vấn đề mà hai bên “không tìm được tiếng nói chung”.
“Những gì mà chúng tôi chứng kiến về tình hình Syria cho thấy Mỹ và Nga vẫn là hai nước có thể giúp giải quyết bất kỳ vấn đề gì dù có rất nhiều nước đang “nhúng tay” vào cuộc khủng hoảng ở Syria.
Chính lợi ích ngày càng tương đồng giữa Moscow và Washington đã đem lại lệnh ngừng bắn tạm thời ở Syria và buộc các bên phải ngồi vào bàn đàm phán ở Syria. Không có bất kỳ quốc gia nào, hay một lực lượng nào khác có thể làm được điều này”, ông Lukyanov nói.
Ông Assad sẽ phải ra đi?
Nhiều chuyên gia phương Tây nhận định, Tổng thống Putin quyết định can dự vào cuộc chiến ở Syria chưa hẳn là để đảm bảo thắng lợi cho đồng minh của mình là ông Assad mà để buộc Mỹ phải “tôn trọng” Nga cũng như phải chấp thuận tham gia một cuộc đàm phán theo các điều khoản của Nga.
Hơn thế nữa, việc Nga rút khỏi Syria cũng được coi là “lời cảnh báo” đối với ông Assad rằng ông “không được giở trò” trong các cuộc đàm phán ở Syria bởi đây là dấu hiệu cho thấy Nga cũng sẵn sàng nhượng bộ một phần với Mỹ.
“Việc ông Putin tuyên bố rút quân cho thấy ông là một kỳ thủ lão luyện. Dù chưa hẳn là một chiến lược gia đại tài, ông vẫn biết “lúc tiến, lúc lùi”, ông Kremeniuk nói: “Điều này cũng xua tan những định kiến rằng, Nga đang “chạy theo Mỹ” trong rất nhiều vấn đề trên toàn cầu”.
“Nga không còn chắc chắn về tương lai của ông Assad. Tôi cho rằng, việc Nga rút quân khỏi Syria cho thấy, Nga không còn muốn hợp tác với ông Assad nữa. Theo tôi, Nga đang chuẩn bị cho một tiến trình chính trị mà ông Assad sẽ không còn đóng vai trò quan trọng nữa.
Thậm chí, nếu Nga cho rằng, ông Assad là trở ngại chính cho tiến trình này, thì quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria có thể sẽ diễn ra mà không có ông Assad”, ông Lukyanov nói.
Cũng theo ông Lukyanov, Nga đang theo dõi sát cuộc bầu cử tại Mỹ: “Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ đang muốn chuyển hướng trong các vấn đề quốc tế và người dân Mỹ đang ủng hộ một gương mặt mới với những quan điểm cực kỳ khác biệt”.
“Tôi nhận ra rằng, dù người dân Mỹ chủ yếu thất vọng về các vấn đề trong nước, họ cũng nhận ra rằng, sự hỗn loạn trong chính sách đối ngoại của Mỹ chính là “mặt bên kia” của vấn đề. Ít nhất, về lâu dài, mong đợi của họ về một cách tiếp cận tươi mới là hoàn toàn hợp lý”, ông Lukyanov bình luận.
Trong khi đó, ông Andrei Klimov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, nhấn mạnh, những kỳ vọng về một sự cải thiện nhanh chóng có thể sẽ khó thành hiện thực.
“Tôi nghĩ rằng, ông Obama đang tập trung vào các vấn đề khác như Cuba để tạo ra di sản của mình. Với Nga, ông chỉ làm những gì mà ông buộc phải làm. Tôi không kỳ vọng về một sự thay đổi thực sự dưới thời của ông ấy”, ông Klimov kết luận./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN