Ngoại trưởng Israel bác bỏ thoả thuận Annapolis
(Dân trí) - Tân Ngoại trưởng theo đường lối dân tộc cực đoan của Israel ngày 1/4 tuyên bố, Israel không bị ràng buộc bởi thoả thuận đã ký kết với Palestine tại hội nghị hoà bình Trung Đông do Mỹ bảo trợ ở thành phố Annapolis hồi năm 2007.
“Chỉ có một tài liệu mà chúng tôi chấp thuận và đó không phải là thoả thuận tại hội nghị Annapolis, nó không có giá trị pháp lý”, ông Lieberman nói trong một bài phát biểu ngắn nhân lễ nhậm chức tại Bộ ngoại giao.
Tài liệu được chấp thuận mà Ngoại trưởng Israel nhắc đến là kế hoạch hoà bình quốc tế, được biết tới với cái tên “Road Map” (Bản đồ chỉ đường), ký kết năm 2003, nhưng “chính phủ Israel chưa bao giờ phê chuẩn Annapolis và quốc hội cũng vậy”.
Một phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng, những bình luận của ông Lieberman đã đe doạ sự ổn định tại khu vực và hối thúc Mỹ lên tiếng phản đối.
Các quan chức Palestine từng miêu tả tân Ngoại trưởng Mỹ là “vật cản đối với hiệp định hoà bình” và chính sách của ông này có thể mang lại hiệu quả không mong muốn cho Israel.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước đã tái khẳng định cam kết của ông đối với việc thiết lập một nhà nước Palestine tồn tại hoà bình bên cạnh Israel, để giúp chấm dứt 6 thập kỷ xung đột ở Trung Đông.
Annapolis
Tại một hội nghị thượng đỉnh diễn ra tháng 11/2007 ở thành phố Annapolis, bang Maryland do cựu Tổng thống George W. Bush chủ trì, các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán liên tục, tích cực để đạt được một thoả thuận hoà bình toàn diện và nỗ lực hết sức để đưa ra thoả thuận vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không hoàn thành.
Cũng trong bài phát biểu hôm qua, ông Lieberman thừa nhận, mặc dù phản đối việc Israel phê chuẩn “Road Map” nhưng đó là tài liệu duy nhất mà Israel tuân theo - tài liệu duy nhất được chính phủ và Hội đồng an ninh phê duyệt, chính phủ mới cũng chấp thuận nó”.
Thủ tướng Israel Olmert, người đã tuyên bố từ chức hồi năm ngoái do những cáo buộc tham nhũng, cuối cùng đã rời nhiệm sở hôm qua khi ông Netanyahu nhậm chức sau cuộc bầu cử hồi tháng 2. Đảng dân tộc cực đoan của ông Lieberman là đồng minh lớn nhất trong nội các của đảng Likud do ông Netanyahu lãnh đạo.
Dấu hiệu
Khi được hỏi về phát biểu của tân Ngoại trưởng Israel, các nguồn tin chính trị thân cận với Thủ tướng Netanyahu nói rằng những bình luận đó cơ bản phản ánh lập trường của nhà lãnh đạo mới. Ông Netanyahu lâu nay vẫn không ủng hộ ý tưởng về một nhà nước Palestine độc lập.
Nhà phân tích chính trị của Israel Eytan Gilboa, từ đại học Bar-Ilan, nói: “Mục đích của Lieberman đơn giản là phát đi một thông điệp rằng đây là chính phủ mới và chính sách của chính phủ này sẽ khác… Đó là một dấu hiệu, một thông điệp. Nhưng ý nghĩa thực sự của nó sẽ được khám phá trong những tháng về sau”.
Tổng thống ôn hoà của Palestine Mahmoud Abbas đã cảnh báo rằng Thủ tướng mới của Israel Benjamin Netanyahu “không tin vào hoà bình” và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép với ông ta.
An Bình
Theo BBC, AP