Nghiên cứu mới có thể giúp điều chế vắc xin chống mọi chủng SARS-CoV-2
(Dân trí) - Các nhà khoa học Singapore công bố một nghiên cứu mới có thể trở thành tiền đề để điều chế loại vắc xin có thể chống mọi biến chủng SARS-CoV-2 hiện tại và các virus corona khác trong tương lai.
SCMP đưa tin, các nhà khoa học tại đại học Y Duke-NUS và Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm Singapore đã công bố một nghiên cứu mới về Covid-19 trên tạp chí Y khoa New England uy tín hôm 18/8.
Nghiên cứu cho thấy, những người từng mắc Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) khi tiêm đủ 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech có thể phát triển hàm lượng rất cao kháng thể có thể trung hòa mọi biến chủng Covid-19 đã được biết đến và các dòng virus corona lây từ động vật sang người.
Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học được cho làm dấy lên hy vọng về một loại "vắc xin trong mơ" tiềm năng có thể chống lại Covid-19, các biến chủng và các virus corona trong tương lai.
Giáo sư Wang Linfa từ đại học Y Duke-NUS, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết, kết quả trên có thể là chìa khóa cho sự phát triển của "vắc xin thế hệ tiếp theo không chỉ giúp kiểm soát đại dịch hiện tại mà còn có thể ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai do các vi rút corona gây ra".
Trước khi được tiêm chủng vắc xin Covid-19, những người từng mắc SARS chỉ có kháng thể chống lại căn bệnh mà họ từng khỏi. Chuyên gia Wang cho biết, diễn biến đột phá trong nghiên cứu xuất hiện là khi các nhà khoa học phát hiện ra những người từng mắc và khỏi SARS sau khi được tiêm 2 mũi Pfizer đã sinh ra các kháng thể trung hòa chéo cấp độ cao đồng nhất chống lại 10 loại virus sarbeco. Đây là nhóm virus corona có cơ chế xâm nhập vào tế bào chủ bằng cách kết hợp với thụ thể ACE2, bao gồm cả virus gây nên SARS và Covid-19.
Nghiên cứu trên được thực hiện trên 28 người, gồm 8 người từng mắc SARS, 10 người khỏe mạnh chưa từng mắc SARS và Covid-19 và 10 người từng mắc Covid-19. Các nhà khoa học tiến hành so sánh phản ứng miễn dịch của cả 28 người sau khi tiêm 2 liều vắc xin của Pfizer và đưa ra kết luận trên.
Vắc xin thế hệ mới
Ông Wang và nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho ứng viên vắc xin thế hệ thứ 3 tiềm năng là "3GCoVax".
Các vắc xin thế hệ thứ nhất đang được sử dụng rộng rãi hiện tại cung cấp các mức độ bảo vệ khác nhau chống lại Covid-19, nhưng hiệu quả của chúng thấp hơn đối với các biến thể mới của virus, đặc biệt là chủng Delta. Trong khi đó, các ứng viên vắc xin thế hệ 2 đang được nghiên cứu được kỳ vọng có thể chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu, các chủng hiện tại và các virus corona lây nhiễm trên người.
Ngoài ra, các nhà khoa học bày tỏ lo ngại rằng, các biến chủng mới, chết chóc hơn của SARS-CoV-2 có thể xuất hiện và làm ảnh hưởng tới hiệu quả của các vắc xin thế hệ thứ nhất.
Ông Wang, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các bệnh lây truyền từ động vật, cho biết: "Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, vào thời điểm này năm sau, phần lớn dân số thế giới sẽ được tiêm chủng vắc xin Covid-19. Nếu chúng ta tiêm nhắc cho họ một mũi tăng cường vắc xin 3GCoVax, chúng ta có thể sẵn sàng chống lại đại dịch kế tiếp".
Ông Wang tiết lộ rằng có một số công ty đang tỏ ra hứng thú và muốn tiếp tục nghiên cứu để phát triển những liều vắc xin tăng cường như 3GCoVax.
Ngoài ra, ông Wang cũng muốn tuyển thêm những tình nguyện viên từng mắc SARS và được tiêm các loại vắc xin khác như AstraZeneca hoặc Sinovac tham gia thêm nghiên cứu.
"Giả thuyết của tôi là các vắc xin khác cũng có thể tạo ra phản ứng kháng thể tương tự với người từng mắc SARS. Tuy nhiên, là một nhà khoa học, tôi cần dữ liệu thực tế hơn là tin vào giả thuyết", ông Wang nhấn mạnh.
Đại dịch SARS năm 2003 đã lây nhiễm hơn 8.000 người trên toàn cầu, khiến 774 người tử vong.