1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nghiên cứu đột phá của quân đội Mỹ: Biến không khí thành nhiên liệu máy bay

Đức Hoàng

(Dân trí) - Không quân Mỹ đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc phát triển một quy trình hóa học nhằm biến không khí thành nhiên liệu cho máy bay vận hành, hứa hẹn mang lại bước đột phá trong tương lai.

Nghiên cứu đột phá của quân đội Mỹ: Biến không khí thành nhiên liệu máy bay - 1

Máy bay chiến đấu F-35 (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Mỗi năm, không quân Mỹ chi hàng tỷ USD để mua nhiên liệu máy bay vận hành, phục vụ các đội tiêm kích, phi cơ ném bom, máy bay tiếp dầu. Giờ đây, lực lượng này tuyên bố đã đạt được một bước tiến quan trọng nhằm biến không khí thành nhiên liệu cho máy bay, bước đột phá có thể giúp giảm bớt gánh nặng hậu cần và tác động tới môi trường.

Văn phòng Năng lượng tác chiến Không quân Mỹ hôm 23/10 thông báo rằng công ty năng lượng Twelve hợp tác cùng họ đã có thể sản xuất được nhiên liệu có khả năng sử dụng được cho động cơ phản lực từ cacbon dioxit (CO2) trong thử nghiệm hồi tháng 8. Nhiên liệu này được đặt tên là E-Jet. Không quân Mỹ tin rằng quy trình hiện tại của Twelve, sử dụng cả nước và năng lượng từ các nguồn tái tạo, có tiềm năng triển khai và mở rộng, cho phép các quân nhân có thể tiếp cận nhiên liệu tổng hợp từ mọi nơi trên thế giới.

"Lịch sử đã cho chúng ta bài học rằng nguồn cung hậu cần là một trong những mục tiêu đầu tiên bị đối thủ tấn công. Khi các đối thủ gây ra ngày càng nhiều mối đe dọa, việc chúng ta có thể giảm nhu cầu về nhiên liệu và hậu cần sẽ là rất quan trọng để tránh rủi ro và giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tiềm tàng nào", Roberto Guerrero, phó trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ phụ trách năng lượng tác chiến, nhận định.

Người đồng sáng lập Twelve Nicholas Flanders cho biết, với việc sản xuất năng lượng từ cacbon chuyển đổi, giải pháp họ đang phát triển có thể tác động tới chuỗi cung ứng xăng dầu.

Theo The Drive, giải pháp khoa học đằng sau quy trình hóa học chuyển đổi cacbon là không mới. Vào những năm 1920, các nhà khoa học Đức Franz Fischer và Hans Tropsch đã phát minh ra cái được gọi là Quá trình tổng hợp Fischer- Tropsch (FT) có khả năng chuyển đổi hỗn hợp cacbon monoxit (CO) và hydro thành hydrocacbon lỏng. Quy trình này đã được cải tiến kể từ đó và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, bao gồm cả việc sản xuất nhiên liệu cho quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, hầu hết các nhiên liệu tổng hợp hiện tại (tạo thành từ CO và hydro) đều được sản xuất thông qua việc đốt sinh khối, than đá hoặc khí tự nhiên, đồng nghĩa với việc nó vẫn cần nhiên liệu hóa thạch. Không quân Mỹ khẳng định rằng công nghệ Twelve đang phát triển loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi quy trình, và sản xuất ra khí tổng hợp bằng cách dùng CO2 thu được từ không khí và - chỉ sử dụng nước và năng lượng tái tạo làm đầu vào để biến đổi CO2".

Công nghệ mới có thể giúp không quân tiết kiệm chi phí đáng kể và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trước đó, một quan chức không quân Mỹ từng tiết lộ với Defense News rằng lực lượng này thường thực hiện 800.000 chuyến bay mỗi năm và sử dụng khoảng 7,6 tỷ lít nhiên liệu. Trong ngân sách dự toán cho năm tài chính 2022, không quân Mỹ ước tính cần 8,2 tỷ USD ngân sách chỉ riêng cho nhiên liệu.

Nếu công nghệ biến đổi cacbon của Twelve thành công, nó có thể thay đổi cuộc chơi cho không quân Mỹ nói riêng và quân đội Mỹ nói chung. Công nghệ này có tiềm năng giúp lực lượng trên tiết kiện hàng trăm triệu USD nhiên liệu và nó sẽ giúp giảm gánh nặng về hậu cần khi tiếp tế cho các khu vực có chiến sự mà quân đội Mỹ đang tác chiến. Vì vậy, không quân Mỹ đặc biệt đặt nhiều hy vọng vào công nghệ này.

Tiêm kích F-35 dàn hàng "đổ xăng" trên không