1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nghịch lý từ chuyện Nigeria phải bỏ một triệu liều vaccine do hết hạn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vụ việc Nigeria dường như phải vứt bỏ một triệu liều AstraZeneca giữa lúc họ rất cần vaccine để tiêm chủng cho người dân đã phản ánh một nghịch lý có thể ảnh hưởng tới tình hình dịch bệnh toàn cầu.

Nghịch lý từ chuyện Nigeria phải bỏ một triệu liều vaccine do hết hạn - 1

Chương trình tiêm chủng ở Nigeria và châu Phi nói chung đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay, Nigeria tháng trước dường như đã phải bỏ một triệu liệu vaccine hết hạn, diễn biến phản ánh sự khó khăn và thách thức mà các nước châu Phi phải đối diện để tiêm được vaccine cho người dân nhằm khiến đại dịch sớm khép lại.

Nghịch lý thiếu vaccine nhưng lại phải vứt bỏ một lượng lớn vaccine xảy ra trong bối cảnh châu Phi đang đối diện với chủng Omicron mới - biến thể nhiều đột biến chưa từng có.

Tại Nigeria, nước đông dân nhất châu Phi với 200 triệu dân, chỉ có ít hơn 4% người được tiêm đủ mũi, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các nguồn tin nói rằng, những liều vaccine bị vứt bỏ do hãng AstraZeneca sản xuất và được chuyển từ châu Âu tới thông qua cơ chế chia sẻ vaccine COVAX.

Một nguồn tin khác cho biết, những liều vaccine này được chuyển tới khi hạn sử dụng của chúng chỉ còn từ 4-6 tuần và không thể tiêm kịp dù Nigeria đã rất cố gắng. Nguồn tin cũng nói rằng, các liều vaccine hết hạn đang được thống kê và con số cuối cùng chưa được đưa ra.

WHO thừa nhận rằng, việc lãng phí vaccine là kịch bản có thể xảy ra trong bất cứ chương trình tiêm chủng nào, nhất là giữa Covid-19, một đại dịch quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, WHO cũng cho biết, vaccine còn hạn sử dụng quá ngắn cũng thực sự là một vấn đề.

Số vaccine bị vứt bỏ ở Nigeria lại quá lớn trong một khoảng thời gian rất ngắn, và thậm chí lớn hơn cả tổng số vaccine mà một số quốc gia khác trong khu vực nhận được trong cùng khoảng thời gian đó.

Theo các chuyên gia, việc châu Phi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao là rất cần thiết để chấm dứt đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Tại đây, chỉ 102 triệu người, tương đương 7,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Tình trạng thiếu nhân viên y tế, thiếu thiết bị, thiếu ngân sách đang cản trở chương trình tiêm chủng diện rộng. Nguồn cung tăng vọt, với hàng triệu liều đổ về trong vài tuần, có thể khiến những yếu điểm này càng lộ rõ hơn.

Hệ thống y tế thiếu thốn ở Nigeria không có đủ những thứ cơ bản như tăm bông. Nguồn điện chập chờn đồng nghĩa rằng các thùng lạnh chứa vaccine phải chạy bằng máy phát điện đắt đỏ. Hàng triệu dân sống trong các khu vực bị tàn phá bởi băng cướp hoặc các cuộc nổi dậy của lực lượng nổi dậy khiến nhân viên y tế không thể tiếp cận.

"Nền tảng y tế ở Nigeria không đủ mạnh và với một nền tảng như vậy, bạn không thể xây dựng phần phía trên", Bộ trưởng Nigeria Osagie Ehanire thừa nhận.

Tình hình ở Nigeria phản ánh một thực tế rằng, những liều vaccine hạn sử dụng ngắn đang đổ về dường như là không đủ để giúp các nước châu Phi.

Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo, 2 nước rất cần vaccine, đã phải gửi trả lại một số lô chế phẩm vì không thể sử dụng kịp thời. Tháng trước, Namibia cảnh báo họ có thể phải tiêu hủy hàng nghìn liều vaccine quá hạn sử dụng.

Tình trạng này có thể làm trầm trọng hơn nữa vấn đề bất bình đẳng vaccine, các chuyên gia cảnh báo.

"Hơn 8 tỷ liều đã được tiêm đánh dấu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng chúng ta đều biết, thành tựu tuyệt vời đó đang bị hoen ố bởi sự bất bình đẳng tồi tệ", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.