Nghịch lý cường quốc thế giới
Bước sang năm mới 2016, Mỹ vẫn là cường quốc duy nhất trên thế giới theo định nghĩa kinh điển thông dụng lâu nay về cường quốc thế giới.
Nước Nga kế thừa Liên Xô về pháp lý quốc tế nhưng không kế thừa nổi tầm vóc và ảnh hưởng cường quốc thế giới của Liên Xô.
Trung Quốc rất muốn trở thành nhưng hiện chưa thể xứng đáng về mọi phương diện để được coi là cường quốc thế giới.
Nhật Bản hay Ấn Độ hoặc thậm chí cả một vài tổ chức hợp tác và liên kết khu vực được coi là trung tâm quyền lực trên thế giới, nhưng vẫn còn ở cách rất xa mốc giới trở thành và được công nhận là cường quốc thế giới.
Nhưng ở Mỹ hiện tại lại đang có không ít nghịch lý làm suy chuyển chính vị thế và sức mạnh của chính cường quốc thế giới này.
Năm 2015 cho thấy nước Mỹ tiếp tục suy yếu đi về mọi phương diện chứ không phải mạnh thêm lên, cho dù chỉ ở một vài phương diện nhất định. Kể từ thời gian dài trở lại đây, chưa khi nào nước Mỹ phải trực diện với nhiều vấn đề xã hội nội bộ sôi sục và phức tạp như hiện tại.
Kinh tế Mỹ tuy có tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ dưới mức 5% nhưng nội bộ xã hội Mỹ hiện như quả bom nổ chậm bởi phân biệt chủng tộc, bạo lực trong cảnh sát, bất công trong tư pháp và nguy cơ khủng bố nội sinh trong lòng nước Mỹ.
Không phải nghịch lý sao khi tình trạng lạm dụng sử dụng vũ khí trong dân chúng và cảnh sát gia tăng mạnh mẽ, mà cả giới chính trị lẫn tư pháp và dư luận xã hội nội bộ gần như vẫn làm ngơ. Những lời kêu gọi siết chặt kiểm soát sản xuất, sở hữu, mua bán và sử dụng vũ khí trong dân chúng đều như những thông điệp rất khẩn thiết tung vào nơi không có người nghe.
Cảnh sát da trắng công khai nổ súng sát hại thường dân da màu không mang vũ khí bên mình, kể cả trẻ em, mà không hề bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc đó thậm chí xảy ra còn thường xuyên đến mức tạo cảm giác xã hội nội bộ và hệ thống bộ máy tư pháp ở Mỹ bị đẩy lùi trở về quá khứ nhiều thập kỷ.
Không nghịch lý sao được khi đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama được công nhận là có chủ ý và quyết tâm tiến hành những cuộc cải cách chính trị xã hội nội bộ cần thiết nhưng hai đảng trong quốc hội là Đảng Dân chủ của ông Obama và Đảng Cộng hoà ở phe đối lập nhưng kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp lại không chịu hợp tác với nhau.
Lợi ích của đảng được đặt lên trên lợi ích của quốc gia và bất chấp lợi ích quốc gia. Lập pháp và hành pháp trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhau. Nguy cơ chính trường bị tê liệt luôn ám ảnh.
Biết mà không làm, muốn mà không làm nổi, thiếu ý chí chính trị và lực bất tòng tâm - thực chất nghịch lý hiện tại của nước Mỹ là như thế. Nó lý giải vì sao nước Mỹ cứ tiếp tục trượt theo đà suy yếu. Nội bộ xã hội như thế không thể giúp làm tăng thêm được uy lực và ảnh hưởng ở bên ngoài.
Nội tình chính trường như thế làm cho nền tảng sức mạnh và uy tín của Mỹ ngày càng thêm dễ bị rạn vỡ. Nước Mỹ trở nên dễ bị tổn thương hơn về mọi phương diện, phải bận rộn với chính mình nhiều hơn và có nhiều chỗ, nhiều nơi dễ bị bên ngoài tấn công hay cạnh tranh hơn.
Những nghịch lý này hiện tại đã và sẽ còn ngày càng tai hại hơn đối với nước Mỹ, bởi các đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng và vai trò của Mỹ không buông tay đứng nhìn Mỹ phát triển hay sa sút. Họ tận dụng triệt để khó khăn và khó xử của Mỹ, điểm yếu và bế tắc hiện tại của Mỹ để thu hẹp khoảng cách giữa họ với Mỹ về thực lực và vị thế quốc tế. Họ đã thể hiện cách tiếp cận cơ hội và ý đồ chiến lược đó từ nhiều năm nay và đặc biệt rõ nét trong năm 2015.
Môi trường chính trị an ninh và đối ngoại của Mỹ vốn không được thuận lợi, trong năm qua cũng như trong năm tới. Trong tác động cộng hưởng của tất cả những điều đó lại có thể thấy cường quốc thế giới dễ dàng bị mất tầm vóc cường quốc thế giới bởi chính những nghịch lý do nó tự sản sinh ra…
Theo Nguyên Lê
Pháp luật Việt Nam