Mỹ không nên biến mình thành “cảnh sát toàn cầu”
Mỹ không nên biến mình thành “cảnh sát toàn cầu” là lời phát biểu của Tổng thống Obama trong Thông điệp liên bang cuối cùng trình bày trước lưỡng viện Quốc hội trên cương vị Tổng thống vào sáng 13-1 (giờ Việt Nam).
Theo Tổng thống Obama, Mỹ không thể cố gắng kiểm soát và xây dựng lại tất cả các quốc gia đang trong khủng hoảng...
Tổng thống Obama nhấn mạnh, trước tiên, nước Mỹ phải đảm bảo được an ninh quốc gia của riêng mình cũng như vai trò lãnh đạo quốc tế, chứ không phải biến mình thành “cảnh sát toàn cầu”.
Nhắc tới việc Mỹ rút khỏi hai cuộc chiến tranh hao tiền tốn của tại Iraq và Afghanistan, Tổng thống Obama cho rằng, hai cuộc chiến này đã mang lại cho người Mỹ khá nhiều kinh nghiệm.
Về cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội cho phép sử dụng lực lượng quân sự đối phó với cái gọi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhấn mạnh IS là những kẻ sát nhân và cuồng tín, ông Obama cho rằng, chúng phải bị truy lùng và tiêu diệt tận gốc và đây chính là điều mà nước Mỹ đang làm.
Không chỉ vậy, những tuyên bố coi cuộc chiến chống IS là chiến tranh thế giới thứ 3 đã bị thổi phồng quá mức và tổ chức khủng bố này “không phải là mối đe dọa đối với sự tồn vong” của nước Mỹ. Trên lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống Obama một lần nữa khẳng định thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã qua đi.
Ông nhấn mạnh nước Mỹ đang đi đúng hướng khi khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba sau hơn nửa thế kỷ theo đuổi những chính sách thất bại và lỗi thời, nhấn mạnh: “50 năm cô lập Cuba đã khiến nước Mỹ bị tụt hậu trong khu vực Mỹ Latinh”.
Thông điệp liên bang cuối cùng của ông Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Nhắc lại việc Washington đã khôi phục mối quan hệ ngoại giao với Cuba, ông chủ Nhà Trắng hối thúc Quốc hội Mỹ dỡ bỏ cấm vận đảo quốc Caribe này, thúc đẩy việc mở cửa du lịch và thương mại, giúp cải thiện cuộc sống của người dân Cuba.
Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng hối thúc Quốc hội lưỡng viện cần triển khai những bước đi cần thiết để đóng cửa nhà tù quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo của Cuba. Ông cho rằng, việc duy trì nhà tù này thực sự rất tốn kém và không cần thiết, đồng thời hứa sẽ làm mọi nỗ lực để đóng cửa nó.
Về lĩnh vực tài chính, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, cần phải giảm bớt sự ảnh hưởng của tiền tệ trong nền chính trị Mỹ, để “một số ít những gia đình và các nhóm lợi ích không thể tài trợ cho các cuộc bầu cử”. Nếu cách tiếp cận hiện tại để vận động tài chính của nước Mỹ là chưa tốt, thì nước Mỹ cần phải tiếp tục làm việc để “tìm ra một giải pháp thực tế”.
Tổng thống Obama cũng kêu gọi quốc hội nước này sớm thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông nhấn mạnh: “Hãy thông qua thỏa thuận này (TPP), qua đó trao cho chúng tôi công cụ để thực thi thỏa thuận”.
Trong Thông điệp liên bang 2016, Tổng thống Obama một lần nữa nhắc lại khẩu hiệu “Thay đổi” trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Ông nhấn mạnh, trong hơn 7 năm qua, nước Mỹ đã vững bước vượt qua cuộc đại khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2007-2009, tạo thêm được 14 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10% của năm 2009 xuống chỉ còn xấp xỉ 5% như hiện nay và ngày càng có nhiều người dân Mỹ được hưởng bảo hiểm y tế, số trẻ em được tiếp cận các cơ hội giáo dục ngày càng tăng.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng thừa nhận nước Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới như ngăn chặn tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn, đối phó với các mối đe dọa khủng bố và cần phải coi việc bảo vệ sự an toàn của người dân Mỹ là ưu tiên số một.
Theo Tổng thống Obama, tương lai mà nước Mỹ muốn - bao gồm cơ hội và sự an toàn cho các gia đình, triển vọng sống trong một thế giới hòa bình, bền vững - là mục tiêu trong tầm với.
Ông nhấn mạnh: “Tương lai mà chúng ta mong muốn là cơ hội và an ninh cho các gia đình, tiêu chuẩn sống được nâng cao và một thế giới hòa bình, bền vững cho con cháu chúng ta, tất cả đều trong tầm tay của chúng ta. Nhưng điều này chỉ diễn ra nếu chúng ta cùng hợp sức, chỉ diễn ra nếu chúng ta có những cuộc tranh luận sáng suốt và mang tính xây dựng. Điều này chỉ diễn ra nếu chúng ta sửa đổi nền chính trị”.
Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ những tiếc nuối đối với một số vấn đề còn tồn tại trong những năm ông cầm quyền, đặc biệt là những mâu thuẫn và hoài nghi giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực cải thiện mối quan hệ này trong thời gian còn tại nhiệm. Nhà lãnh đạo Mỹ kết thúc bản thông điệp bằng một tuyên bố mạnh mẽ bày tỏ sự tin tưởng đối với tương lai của nước Mỹ, người dân Mỹ cũng như khẳng định niềm tin vào sự thay đổi.
Thông điệp Liên bang năm 2016 của Tổng thống Obama đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ đảng Dân chủ với khẳng định đây chính là những vấn đề mà đảng này hoàn toàn có khả năng giải quyết đưa nước Mỹ đến một tương lai tốt đẹp hơn dựa trên những thành công vừa qua.
Trong khi đó, nhiều thành viên của đảng Cộng hòa chỉ trích bài phát biểu nói trên tiếp tục đẩy nước Mỹ vào vị thế ngày càng yếu ớt hơn không chỉ trong nước mà ngay cả ở nước ngoài.
Các nghị sĩ phe Cộng hòa đã chỉ trích bản thông điệp liên bang này là “nhạt nhẽo với những lời lẽ cũ rích”, không đưa ra được các giải pháp cụ thể cho những vấn đề tồn đọng của nước Mỹ. Và trên thực tế, số khán giả truyền hình theo dõi thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ đã giảm mạnh trong những năm gần đây.
Theo Khổng Hà
Công an nhân dân