“Nghịch cảnh” mới của các trường đại học Nhật
(Dân trí) - 3 năm về trước khi Yasunori Iwanaga quyết định chọn trường Đại học Kinh tế Fukuoka, lý do không phải là bởi trường có chất lượng giảng dạy tốt, hay có đội judo, môn thể thao ưa thích của anh, rất mạnh; và cũng chẳng phải do chương trình học tập và nghiên cứu ở nước ngoài cuốn hút anh…
Tất cả là do bể tắm nước nóng ở khu ký túc xá.
Yasunori Iwanaga ngồi tựa một cách trịch thượng vào thành của bể tắm nước nóng, với chục cậu bạn sinh viên judo vui vẻ ngâm mình xung quanh. Cậu sinh viên chuyên ngành kinh tế cho biết đã chọn trường này khi nhìn thấy khu spa ở trong tờ quảng cáo của trường. Khu ký túc xá mới, giống như một khu nghỉ mát này cũng tự hào có cả phòng hát karaoke, một vườn cây kiểu Anh, với những khóm hồng phơn phớt, và một bể bơi.
“Đây là trường duy nhất tuyển chúng tôi bằng bể tắm nước nóng”, cậu sinh viên Iwanaga, 21 tuổi, cho biết. “Họ thực sự muốn chúng tôi đến đây”.
Nhật Bản là nước có hệ thống giáo dục sau phổ thông lâu đời và có uy tín nhất châu Á. Tuy nhiên, ngày nay các trường đại học đang phải chật vật để tìm cách thu hút sinh viên. Nhiều năm nay do tỉ lệ sinh giảm sút, Nhật phải đối mặt với tình trạng dân số trẻ tuổi đang bị giảm một cách nghiêm trọng. Điều này khiến ngày càng nhiều trường đại học không thể nào tìm đủ học sinh để lấp đầy các lớp học của họ.
Theo thống kê dân số, số thanh niên 18 tuổi ở Nhật đã giảm xuống còn 1,3 triệu năm nay, so với 2,05 triệu trong năm 1992, năm con cháu của những người thuộc thời kỳ bùng nổ dân số thứ hai ở Nhật bắt đầu vào đại học. Các ước tính chỉ ra rằng, con số này còn giảm xuống còn 1,21 triệu trong hai năm nữa. Theo Bộ giáo dục Nhật, năm nay, gần 1/3 trong số 707 trường đại học của Nhật đã không thể tuyển đủ được học sinh.
Cho đến nay, mới chỉ có 3 trường đại học bị phá sản vì thiếu sinh viên; bắt đầu từ ba năm trước, với trường Đại học Risshikan ở Hiroshima, trường đại học đầu tiên của Nhật bị phá sản kể từ sau Thế chiến thứ hai. Nhưng Bộ giáo dục và các nhóm trường đại học hiện đang khẩn trương đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo mới để giúp họ đối phó với điều mà ít nước phát triển phải đối mặt: hàng chục trường đại học đột nhiên đóng cửa, hoặc tái thành lập, như sáp nhập cùng trường khác.
“Chúng tôi đang bước vào một kỷ nguyên mà chỉ có những trường tốt nhất mới tồn tại được”, Yasuhiko Nishii, một quan chức thuộc Công ty xúc tiến và hỗ trợ tương tác các trường tư thục Nhật Bản cho biết. “Chúng ta cần phải để các trường đại học yếu hơn đóng cửa, để nâng cao chất lượng giáo dục cho các sinh viên”.
Ứng phó
Nhiều trường đại học đã “ứng phó” bằng cách tìm kiếm những nguồn sinh viên mới, như những sinh viên ngoại quốc, những sinh viên “già”, những người đã về hưu, học để giải trí. Hồi tháng ba vừa qua trường Đại học Osaka đã trao bằng tiến sỹ toán học cho một cựu kỹ sư 71 tuổi. Sau khi về hưu ông đã tiếp tục học cao học.
Tại trường Đại học kinh tế Fukuoka ở thành phố trên hòn đảo miền nam, Kyushu này, các nhà quản lý giáo dục đã tìm cách thu hút học sinh bằng một cuộc “cải thiện” trị giá 50 triệu USD vào năm 1999. Trường đã xây dựng những khu ký túc xá mới, sang trọng, với 700 phòng, mỗi phòng dành riêng cho một sinh viên, điều xa xỉ đối với các trường đại học truyền thống ở Nhật.
Ngoài ra, trường còn giảm học phí xuống còn một nửa, ¥590,000/năm, khoảng $5.000. Trường còn thành lập một chương trình học mới Celebrity Business (ngành quản lý người nổi tiếng). Lý do bởi các nhà giáo dục nhận thấy trong một cuộc điều tra rằng nhiều bạn trẻ Nhật hiện thích những công việc có tính sáng tạo liên quan tới âm nhạc, phim ảnh, hơn là những vị trí “làm công ăn lương” như thế hệ cha mẹ họ.
“Trước đây sinh viên thường cạnh tranh nhau để được vào các trường đại học”, Shunji Iba, một quan chức trường đại học cho biết. “Nhưng giờ, các trường đại học phải cạnh tranh để có các em”.
Thay đổi
Tuy nhiên, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường đại học để giành giật sinh viên tạo ra một tương lai ảm đạm cho hệ thống giáo dục sau phổ thống của Nhật. Kể từ khi trường đại học hiện đại đầu tiên của Nhật, trường Đại học Tokyo, được thành lập vào năm 1877, các trường đại học cùng những kỳ thi tuyển gắt gao đã trở thành một cơ chế phân loại chính trong xã hội. Sinh viên có thể có những vị trí cao trong các doanh nghiệp, chính phủ hay không là nhờ vào cơ chế này. Nhưng giờ đây nhiều người sợ rằng cơ chế có thể bị biến mất nếu các trường đại học hạ thấp tiêu chuẩn vào trường của mình để có nhiều học sinh hơn.
Song với một số người, thì kiểu cạnh tranh mới tốt cho Nhật, buộc các trường ở đây phải nâng cấp, hoặc không sẽ bị diệt vong. Các trường đại học đã buộc phải nâng cao chất lượng giảng dạy, một sự thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục đại học của Nhật từ trước tới nay luôn được coi là “4 năm nghỉ ngơi” của sinh viên trước khi đi làm.
Atsushi Hamana, hiệu trưởng Đại học nghiên cứu quốc tế Kansai, cho biết các trường hiện đang bắt đầu nhận ra rằng: "các bạn trẻ thực sự muốn được học tập để có kỹ năng cạnh tranh trong nền kinh tế đang được toàn cầu hoá”.
Sự thay đổi nữa có thể nhìn thấy là trường học Nhật mở cửa cho nhiều sinh viên nước ngoài hơn, và con số này tăng lên đều đặn trong những năm gần đây.
Trường đại học châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan, được thành lập năm 2000 ở thành phố Beppu, miền nam Nhật, là một mô hình điển hình. Tại trường, một nửa trong số 5.421 sinh viên là sinh viên nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Khoảng 42% trong số 128 giáo viên và các nhà quản lý của trường cũng là người ngoại quốc. Thầy hiệu trưởng cũng là một người đến từ Sri Lanka.
Một nửa các lớp học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Đặc biệt hơn, trường còn có một văn phòng hỗ trợ việc làm hoàn toàn giống phong cách của Mỹ, giúp tìm việc cho các sinh viên. Hiện trường đang ngày càng được mở rộng và môi trường học tập quốc tế của nó đã thu hút được một số lượng lớn các bạn trẻ Nhật. Năm ngoái 3.753 người đã cùng nộp đơn cạnh tranh 750 vị trí trong trường.
Trường sẽ “không có đổi mới nếu Nhật không đứng trước vấn đề về nhân khẩu”, hiệu trưởng trường Ritsumeikan cho biết. “Ritsumeikan hiểu được nước Nhật sẽ đi về đâu và Nhật phải trở nên quốc tế hoá hơn”.
Kết cục tất yếu?
Các trường đại học Nhật hiện nay muốn tránh số phận giống như trường Đại học quốc tế Hagi, một trong 3 trường phải đóng cửa vì không đủ học sinh.
Nằm ở Hagi, một thị trấn với những lâu đài thời trung cổ, trên vùng biển phía tây Nhật, trường được chuyển từ một trường cao đẳng hai năm thành trường đại học 4 năm vào năm 1999. Trường có tham vọng lớn trở thành trường hàng đầu trong vùng. Nhưng ngay từ đầu, nó đã không thu hút đủ 300 sinh viên mỗi năm. Năm đầu tiên chỉ có 200 sinh viên, và đến năm 2006 con số đó chỉ còn vẻn vẹn là 3 sinh viên .
Mới đầu, trường cố cứu vãn bằng cách tuyển thêm sinh viên Trung Quốc, nhưng đã phải ngừng ngay vào năm 2002, sau khi 26 sinh viên Trung Quốc biến mất, để ra ngoài làm việc một cách bất hợp pháp. Biện pháp tiếp theo là trường thuê một tay golf nhà nghề hàng đầu của Nhật để dự định xây dựng môn golf là môn học “đặc biệt” của trường. Nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ thu hút được khoảng 30 sinh viên.
Ngập trong đống nợ nần, Hagi đành phải tuyên bố phá sản vào năm 2005.
“Chúng tôi đã cố tìm nhiều cách để thu hút học sinh”, Masanori Hatachi, hiệu trưởng của trường cho biết. “Vấn đề là chúng tôi không tìm được nhiều học sinh mới”.
Sau khi bị phá sản, một công ty xây dựng đã tiếp quản trường và mở lại vào tháng tư vừa qua, thành một trường đại học nhỏ hơn, cấp bằng trong lĩnh vực sức khoẻ. Hatachi cho biết phương hướng mới của trường có thể làm cho trường cạnh tranh được với các trường khác. Do người già chiếm đa số, nên vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho họ là một thị trường được đảm bảo. “Vẫn chưa đủ nếu chỉ cung cấp những ngành học truyền thống”, Hatachi nhận xét. “Một trường đại học cần phải là nơi để sinh viên cảm thấy có thể học những gì họ cần”.
Trang Thu
Theo IHT