1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quốc hội Trung Quốc thông qua luật An ninh quốc gia:

Nghĩa vụ "bảo vệ chủ quyền quốc gia" với Hồng Kông - Macau - Đài Loan

(Dân trí) - Quốc hội Trung Quốc ngày 1/7 thông qua đạo luật An ninh quốc gia, bao quát nhiều lĩnh vực rộng lớn như: an ninh mạng, an ninh tài chính các vấn đề tư tưởng, tôn giáo. Luật cũng yêu cầu Hồng Kông, Macau và Đài Loan "có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia".

Quốc hội Trung Quốc thông qua luật An ninh quốc gia (Ảnh:
Quốc hội Trung Quốc thông qua luật An ninh quốc gia (Ảnh: CNS)

Theo Tân Hoa Xã, dự luật đã được Thường vụ quốc hội Trung Quốc thông qua, với 144 phiếu thuận, 1 phiếu trắng và 10 phiếu phản đối.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, đại diện Ủy ban Các vấn đề pháp luật của Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Zheng Shu'na nói, đạo luật có tầm quan trọng thích đáng đối với “các thách thức an ninh đang ngày một tăng”.

Theo đạo luật mới này, an ninh quốc gia là “một điều kiện trong đó chính phủ, chủ quyền, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hạnh phúc của người dân, sự phát triển bền vững của nền kinh tế và xã hội, cùng các lợi ích chủ chốt khác của một quốc gia tương đối an toàn và không phải chịu các mối đe dọa bên trong và bên ngoài”.

Đạo luật nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc tạo ra “một hệ thống lãnh đạo an ninh quốc gia tập trung, hiệu quả và đầy đủ thẩm quyền”. Tuy vậy, đạo luật không đề cập tới Ủy ban An ninh quốc gia vừa được Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập.

Chủ tịch Tập Cận Bình, người lãnh đạo ủy ban này, trước đây từng khẳng định an ninh quốc gia cần phải toàn diện, dẫn dắt chính trị, quân đội, kinh tế, công nghệ, môi trường và văn hóa.

Đạo luật cũng khiến người Hồng Kông chú ý, khi lần đầu tiên nêu“nghĩa vụ” của đặc khu hành chính này. Tại Điều 11, đạo luật nêu rõ: người dân Hồng Kông, Macau và Đài Loan có nghĩa vụ phải gìn giữ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, cùng với người dân đại lục.

Điều 36 cũng kêu gọi Hồng Kông và Macau thực hiện trách nhiệm của hai đặc khu hành chính này trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.

Đạo luật nêu: các cơ quan chức năng nên thiết lập các cơ chế giúp ngăn ngừa những rủi ro tài chính trong khu vực và quốc tế, bảo vệ an ninh của công dân Trung Quốc và các tổ chức ở nước ngoài, bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài.

Bình luận về đạo luật vừa được thông qua, giáo sư luật Fu Hualing, đến từ đại học Hồng Kông cho biết, ông không rõ vì sao Ủy ban An ninh quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc không được đề cập trong luật này? Cũng như không rõ địa vị pháp lý cũng như quyền lực của cơ quan này sẽ được luật điều chỉnh ra sao?

Tiến sỹ Eva Pils, chuyên gia luật Trung Quốc tại đại học London thì cho rằng, luật không trực tiếp đề cập tới ủy ban trên sẽ để ngỏ việc cơ quan nào trong Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phụ trách an ninh quốc gia.

Bà Pils cũng bày tỏ lo ngại, việc định nghĩa an ninh quốc gia như vậy có nghĩa là “hầu như mọi mặt của đời sống xã hội hoặc kinh tế đều có thể được xem là vấn đề an ninh quốc gia, và do đó cho phép các tổ chức được luật trao quyền can thiệp”.

Thanh Tùng
Theo SCMP, Xinhua

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm