1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nghi vấn máy bay vận tải Iran bất ngờ cất cánh từ Crimea

Minh Phương

(Dân trí) - Một máy bay vận tải nghi là của Iran đã cất cánh từ sân bay trên bán đảo Crimea trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về hợp tác quân sự giữa Iran và Nga.

Nghi vấn máy bay vận tải Iran bất ngờ cất cánh từ Crimea - 1

Một máy bay vận tải Il-76TD của hãng Pouya Air (Ảnh minh họa: ID).

Pravda dẫn thông tin từ trang web chuyên theo dõi chuyến bay Flightradar24 cho biết, một máy bay vận tải Il-76TD thuộc hãng Pouya Air của Iran đã cất cánh từ sân bay trên bán đảo Crimea lúc 17h09 ngày 7/9.

Dữ liệu chỉ ra, máy bay này cất cánh sau khoảng 2 giờ đáp xuống Crimea và bay về hướng đông nam, phía trên Biển Đen.

Hiện chưa rõ mục đích sự hiện diện của máy bay Iran ở Crimea. Giới chức Nga và Iran chưa đưa ra bình luận.

Sân bay Simferopol ở Crimea đã ngừng tiếp nhận các chuyến bay dân sự kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn một năm.

Nghi vấn máy bay vận tải Iran bất ngờ cất cánh từ Crimea - 2

Máy bay Iran cất cánh từ Crimea sau 2 giờ đậu tại đây hôm 7/9 (Ảnh: FlightRadar24).

Crimea là bán đảo nằm ở phía nam Ukraine. Nga sáp nhập bán đảo này từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Crimea trở thành trung tâm tiếp viện quan trọng cho lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Quân đội Ukraine nhiều lần nói rằng lực lượng Nga ở Crimea sử dụng doanh trại huấn luyện Chauda để phóng các máy bay không người lái (UAV) Shahed do Iran sản xuất nhắm vào mục tiêu tại Ukraine.

Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy huấn luyện viên quân sự Iran hỗ trợ quân đội Nga trong các vụ phóng UAV từ Crimea.

Đến nay cả Nga và Iran đều bác bỏ cáo buộc cho rằng Tehran cung cấp UAV tự sát cho Moscow trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan khác, New York Times dẫn báo cáo của một nhóm nghiên cứu độc lập cuối tháng trước cho hay, Nga có thể đã chế tạo bản sao UAV của Iran.

Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga từ sau ngày 24/2/2022, nhằm ngăn Moscow tiếp cận các thiết bị điện tử do nước ngoài sản xuất như chất bán dẫn, máy tính, tia laser và thiết bị viễn thông. Tuy vậy, các biện pháp đó không ngăn được Nga mua sản phẩm từ thị trường toàn cầu.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm