1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nghị trường Trung Quốc mở cửa đón nhận các tỉ phú

Trong tuần này, hai định chế đại biểu nhân dân chủ chốt tại Trung Quốc mở khóa họp thường niên gồm Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (còn gọi là Chính hiệp) vào hôm nay (3.3) và Quốc hội vào ngày mai (4.3). Điều đáng chú ý là sự có mặt của các doanh nhân giàu nhất nước trong hàng ngũ các đại biểu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ghi nhận, có hơn một phần ba doanh nhân trong danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc là đại biểu của một trong hai định chế kể trên. Danh sách 100 người giàu nhất là một bảng xếp hạng mang tên là Hồ nhuận Bách phú, do tạp chí Hồ nhuận lập ra hàng năm, mô phỏng cách làm của tạp chí Mỹ Fortune hay Forbes.

Như vậy, trong số 10 người đứng đầu danh sách Hồ nhuận Bách phú của năm 2014, có ba đại tỷ phú là đại biểu Quốc hội.
Đó là các tên tuổi như Mã Hóa Đằng (Ma Huateng hay Pony Ma) - người đứng đầu tập đoàn Internet khổng lồ Tencent, Lôi Quân (Lei Jun) - người sáng lập và lãnh đạo tập đoàn điện thoại thông minh đang vươn lên là Xiaomi, ông Tông Khánh Hậu (Zhong Qinghou) - ông trùm nhành giải khát tại Trung Quốc.

Bên cạnh các tỷ phú đại biểu Quốc hội đó, một số gương mặt khác trong danh sách 10 người giàu nhất nước cũng đã trở thành đại biểu của Chính hiệp - một cơ quan tham vấn tương tự như Mặt trận Tổ quốc tại Việt Nam. Có thể kể đến Lý Hà Quân (Li Hejun) - ông trùm của ngành năng lượng mặt trời, vừa được tập chí Hồ nhuận đôn lên vị trí đầu danh sách, Lý Ngạn Hoành (Li Yanhong hay Robin Li) - chủ nhân công cụ tìm kiếm Baidu.

Theo tờ báo Trung Quốc Tân Văn hóa, nếu mở rộng ra thêm, thì trong danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc, có đến 15 người là đại biểu Quốc hội, và 21 người là thành viên của Chính Hiệp.

Theo tờ báo, tài sản của 36 người này cộng lại lên đến 1.200 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 190 tỷ USD.

Việc các doanh nhân nói chung, và những người giàu nhất nói riêng, được bầu vào các cơ chế tạm gọi là dân cử như Quốc hội hay Chính hiệp, bắt nguồn từ một học thuyết gọi là "Ba đại diện" do cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân sáng tạo vào năm 2001, theo đó các cơ chế Đảng hay Nhà nước phải mở ra cho doanh nhân và các "lực lượng sản xuất" khác, chứ không chỉ dành riêng cho 4 thành phần truyền thống là nông dân, công nhân, trí thức và quân đội. Đó được xem là một quyết định chính trị cần thiết trong bối cảnh kinh tế xã hội Trung Quốc chuyển đổi mạnh qua cái gọi là "kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa".

Theo Nam Anh/RFI