Nghị sỹ Mỹ đề xuất tăng tàu sân bay cho hải quân
(Dân trí) - Trong phiên điều trần trước Ủy ban quân vụ thuộc Hạ viện Mỹ ngày 6/11, nghị sỹ đảng Cộng hòa Mike Conaway đã đề xuất nâng số tàu sân bay đang hoạt động của hải quân Mỹ lên 12 từ con số 11 hiện nay theo đúng luật pháp cho phép.
Lý do nghị sỹ Mike Conaway đưa ra tại phiên điều trần là hải quân Mỹ sẽ không có đủ khả năng để đảm bảo sự hiện diện liên tục của tàu sân bay Mỹ tại 2 khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương từ nay cho đến năm 2021.
“Tàu sân bay USS John F. Kennedy (CVN-79) có thể sẽ được hoàn tất vào năm 2023. Vào thời điểm trên số tàu sân bay hoạt động của hải quân Mỹ mới là 12. Con số này phù hợp với sự phê chuẩn của Quốc hội trước đó và các kế hoạch đóng tàu hiện có của Mỹ. Con số 12 có thể là ngưỡng cho tương lai”, ông Conaway đưa ra trong thông cáo báo chí.
“Kể từ Thế chiến thứ II, hải quân Mỹ đã phụ thuộc vào các tàu sân bay trong việc tăng cường sự hiện diện và chuyển trục quyền lực. Từ Chiến tranh Triều Tiên đến năm 2000, các tư lệnh quân đội Mỹ luôn hướng tới việc duy trì số tàu sân bay là 15. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng giảm đã buộc lực lượng hải quân Mỹ phải giảm số tàu sân bay xuống 12 vào năm 1998 và tiếp theo là 11 vào năm 2007. Sau đó Quốc hội Mỹ đã chốt con số 11 từ đó cho đến nay”, vị nghị sĩ phát biểu.
Tại phiên điều trần trước Tiểu ban quân vụ Hạ viện cũng trong ngày 6/11, người đứng đầu phụ trách mua sắm thiết bị hải quân Mỹ, ông Sean Stackley cho biết: “Hiện, có một khoảng trống trong việc duy trì hiện diện tàu sân bay tại vùng vịnh Péc-xích khi thỏa thuận hạt nhân Iran đi vào hiệu lực. Các khoảng trống này sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2021”.
Cũng giống như một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông Conaway cũng quan ngại về sự suy giảm sức mạnh quân đội Mỹ và sự thiếu quyết đoán trước các cường quốc đối thủ của Mỹ trên thế giới cụ thể là Trung Quốc và Nga.
Các cường quốc đối trọng của Mỹ đã thách thức tự do hàng hải và đang hoài nghi về sức mạnh quân sự Mỹ. Đây chính là lúc để cho thấy sức mạnh và sự quyết đoán đối với các đơn vị quân đội Mỹ và cộng đồng thế giới bằng việc tăng cường số tàu sân bay, qua đó hải quân Mỹ có thể đáp ứng các cam kết trong nước và quốc tế.
Tuy vậy, theo trang mạng RT của Nga, sẽ là khó khăn đưa ra đề xuất chế tạo một hệ thống vũ khí tiêu tốn bình quân lên đến 13 tỷ USD tiền thuế của người dân trong bối cảnh ngân sách (chính phủ Mỹ) đang rất eo hẹp.
Ngoài ra, một lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới không nhất thiết phải thể hiện sự quyết đoán và phô trương sức mạnh. Thay vào đó, chính lực lượng hải quân tự biết quy mô và năng lực đang ở đâu. Sự khác biệt giữa con số 11 và 12 tàu sân bay nhìn chung là không lớn. Lực lượng hải quân Mỹ dù với 10 tàu sân bay hoạt động vẫn là lực lượng thống trị đại dương trên thế giới. Thêm vào hay bớt đi 1-2 tàu sân bay sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến những toan tính quân sự của Nga và Trung Quốc, kể cả hai quốc gia này đang gia tăng bành trướng trên các đại dương trên thế giới.
Nhiều nhà phân tích lập luận rằng các tàu sân bay của Mỹ được triển khai hiện nay đã trở nên lạc hậu trong bối cảnh các quốc gia như Trung Quốc, Iran và Nga đang tăng cường các khả năng chống hạm. Một báo cáo gần đây do Trung tâm an ninh Mỹ mới xuất bản cho rằng hải quân Mỹ sẽ phải đối diện với một tương lai là các tàu sân bay mặc dù được đóng với chi phí đắt đỏ nhưng “gặp khó” trước các hệ thống phòng thủ đang được các cường quốc đối trọng của Mỹ phát triển, trang bị và thậm chí là xuất khẩu sang nước khác.
Tuy nhiên, tác giả báo cáo trên nhấn mạnh: “Có nhiều con đường để duy trì biểu tượng sức mạnh cường quốc nếu lực lượng hải quân Mỹ đưa ra những quyết sách đầu tư đúng đắn. Những khả năng mới trong một loạt các lĩnh vực như các hệ thống vũ khí không người lái, tàng hình…có thể được kết hợp để thực thi những sứ mệnh tấn công chuyên sâu”.
Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn trong chiến lược, nhưng lại chưa được ông Conaway đưa ra trong đề xuất lần này.
Vũ Duy
Theo The Diplomat