Tàu sân bay Mỹ có thể gặp khó trước các vũ khí diệt hạm
(Dân trí) - Hải quân Mỹ đang phải đối mặt với một thực tế là các tàu sân bay hiện đại của nước này có thể sẽ gặp khó trong bối cảnh nhiều quốc gia khác đang phát triển vũ khí công nghệ cao có khả năng diệt hạm.
Các tàu sân bay lâu nay vẫn được ví như “xương sống” của quân đội Mỹ hiện diện ở các vùng biển khắp thế giới. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới được công bố ngày 3/11, các chuyên gia hải quân cảnh báo các tàu sân bay Mỹ hiện nay có thể không đủ lớn để đáp ứng được yêu cầu của nước này về việc duy trì một hạm đội lớn ở các khu vực trọng yếu, CNN đưa tin.
Bản báo cáo nhấn mạnh vấn đề nan giải nhất mà Hải quân Mỹ đang phải đối mặt không phải là kích thước của tàu sân bay mà là khả năng tác chiến của các phương tiện này. Hiện các tàu sân bay của Mỹ được trang bị đầy đủ các công nghệ và vũ khí hiện đại nhưng lại không thực sự có tính năng chuyên biệt, nổi bật. Trong khi đó, nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, đang áp dụng công nghệ cao vào việc sản xuất các loại vũ khí có khả năng diệt hạm với hiệu quả chiến đấu cao. Điều này chắc chắn sẽ khiến các tàu sân bay đắt tiền của Mỹ không còn phát huy được hiệu quả trong những năm tới.
Tàu sân bay của Mỹ, được chế tạo để chống lại những cuộc tấn công cảm tử của máy bay địch, được coi là “chỗ dựa” của hải quân nước này trong Thế chiến thứ II. Trong hơn 70 năm qua, Lầu Năm Góc đã nhiều lần nâng cấp cả tàu và các máy bay. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, việc nâng cấp hầu hết chỉ tập trung vào các máy bay tấn công hạng nhẹ và tầm ngắn.
Đây là một sai lầm nghiêm trọng của Mỹ. Đáng lẽ Lầu Năm Góc cần đầu tư trang bị các công nghệ mới, tăng cường khả năng tấn công cũng như phòng thủ tầm xa nhằm đối phó với các loại vũ khí mới như tên lửa chống hạm.
Theo chuyên gia hải quân Jerry Hendrix, Hải quân Mỹ vẫn được đánh giá là lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, sự nổi lên của các cường quốc quân sự mới, cụ thể là Trung Quốc, có thể trở thành mối đe dọa cho các hạm đội tàu sân bay của Mỹ.
Mới đây, Trung Quốc đã giới thiệu tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, loại vũ khí có thể bắn ra từ khoảng cách gần 1.500 km, có thể chuyển hướng để tránh tên lửa đánh chặn của đối phương, và lao xuống tàu sân bay với tốc độ cực cao. Những tên lửa này sẽ khiến các tàu sân bay Mỹ không thể tiến sát bờ biển đối phương trong phạm vi ít nhất 1.500 km, và ở khoảng cách này các chiến đấu cơ tầm ngắn trở nên vô dụng.
Bên cạnh Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên cũng đang đầu tư vào việc phát triển các công nghệ chống hạm tương tự nhằm đối phó với những mối đe dọa trên biển.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ vẫn tỏ ra tự tin vào khả năng tác chiến của các tàu sân bay nước này, cho rằng sức mạnh của các tàu sân bay hiện tại là đủ để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Mỹ.
“Hải quân Mỹ cam kết duy trì một hạm đội tàu sân bay cùng với các máy bay chiến đấu. Điều này đảm bảo quân đội Mỹ sẽ phản ứng một cách nhanh chóng và linh hoạt trong mọi tình huống”, người phát ngôn Hải quân Mỹ William Marks cho biết.
Ông Marks cũng cho biết thêm, nhằm chống lại các mối đe dọa từ các hệ thống tên lửa chống hạm, Hải quân Mỹ đang trang bị cho các tàu khu trục và tàu tuần dương của mình hệ thống phỏng thủ tên lửa tiên tiến, hiện đại hóa tàu và máy bay, lắp đặt các bộ cảm biến và tăng cường trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa chỉ huy, phi công và phi hành đoàn.
“Các hệ thống mới sẽ cho phép các nhóm phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu từ khoảng cách xa hàng trăm dặm”, ông Marks nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia quốc phòng Jerry Hendrix cho rằng những trang bị như vậy là chưa đủ. Theo ông, Hải quân Mỹ cần đánh giá và xem xét lại các loại máy bay mà lực lượng này định mua mới và cân nhắc đầu tư vào các loại máy bay tầm xa.
“Hiện có rất nhiều loại máy bay mới áp dụng công nghệ hiện đại như hệ thống không người lái, tàng hình, đa nhiệm… Những loại máy bay này rất phù hợp để tiến hành các cuộc tấn công vào sâu mục tiêu”, ông Hendrix cho biết.
Một báo cáo khác cũng cho rằng Hải quân Mỹ cần tăng cường khả năng chiến đấu của các máy bay, cụ thể là đầu tư vào các loại máy bay chiến đấu tầm xa, để bảo vệ các tàu sân bay, trong bối cảnh các nước đối thủ đang phát triển ngày càng mạnh về công nghệ chống hạm.
Nhật Minh