1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghi phạm tấn công máy bay Mỹ là con ông chủ nhà băng

(Dân trí) - Là thành viên của một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu ở Nigeria, nghi phạm âm mưu đánh bom máy bay Mỹ hôm 25/12 vừa rồi - Umar Farouk Abdulmutallab - từng học tại những ngôi trường danh tiếng ở Togo và Anh.

 
Nghi phạm tấn công máy bay Mỹ là con ông chủ nhà băng - 1
Umar Farouk Abdulmutallab trong một bức ảnh.

Nhưng sự giáo dục mà anh ta mong muốn là một kiểu khác. Các quan chức Nigeria cho hay Abdulmutallab, 23 tuổi, sùng bái tư tưởng Hồi giáo cực đoan khiến cha đẻ của anh đã phải lên tiếng cảnh báo các nhà chức trách Mỹ. Khi bị giải đi trong chiếc còng số 8 khỏi chiếc máy bay mà anh ta định cho nổ tung trên đất Mỹ đúng ngày Giáng sinh, Abdulmutallab nói anh ta muốn theo đuổi lý tưởng thánh chiến tại một “bến cảng” của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Yemen.

Các nguồn tin cho hay, Abdulmutallab là con trai của một giám đốc ngân hàng giàu có tại Nigeria. Abdulmutallab từng theo học tại Trường Quốc tế Anh danh tiếng ở Lome, Togo và sau đó là University College London - trường đại học có lịch sử lâu đời và là một trong những trường đại học danh tiếng nhất Vương quốc Anh. Nhưng anh ta lại xa lánh gia đình khi trưởng thành.

Bạn bè và gia đình cũng cho hay, Abdulmutallab từng bộc lộ những dấu hiệu cho thấy anh ta có thể trở thành người có quan điểm cực đoan.

Michael Rimmer, giáo viên môn lịch sử từng dạy Abdulmutallab tại Trường Quốc tế Anh ở Togo cho biết, trong một cuộc thảo luận năm 2001, Abdulmutallab là người duy nhất bảo vệ các hành động của Taliban tại Afghanistan. “Chắc hẳn anh ta đã gặp vài người cuồng tín và họ đã khiến anh ta thay đổi”, Rimmer nói.

Các nhà chức trách Mỹ đã chính thức buộc tội Abdulmutallab cố gắng phá hủy một chuyến bay của hãng hàng không Northwest Airlines chở 278 hành khách và 11 thành phi viên hành đoàn trong ngày Giáng sinh (25/12) khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Detroit, bang Michigan. Thiết bị nổ mà anh ta mang theo người có vẻ đã gặp trục trặc và Abdulmutallab nhanh chóng bị các hành khách khác khống chế khi phát hiện hành động bất thường của anh ta.

Theo lời một quan chức, người cha của Abdulmutallab đã tỏ ra bị sốc và rất lấy làm tiếc vì hành động của con trai mình.

Gia đình Abdulmutallab hiện đang sống tại Funtua, thành phố được xem là trung tâm văn hóa Hồi giáo của Nigeria. Cha của Abdulmutallab, ông Alhaji Umar Mutallab, rất thành công trong lĩnh vực ngân hàng và từng tham gia ban lãnh đạo một ngân hàng Hồi giáo. Ông Mutallab sống có trách nhiệm và được mọi người kính trọng.

Bộ trưởng thông tin Nigeria Dora Akunyili cho hay, ông Mutallab hiện đang hợp tác với Cục Điều tra Liên bang Mỹ và sẽ không trả lời phỏng vấn báo chí.

Abdulmutallab không liên lạc với gia đình vài tháng qua và chính ông Mutallab hồi tháng trước đã báo cho các quan chức Mỹ về tư tưởng cực đoan Hồi giáo của con trai. Các nhà chức trách Mỹ sau đó đã đưa tên của Abdulmutallab vào danh sách những người cần theo dõi về khủng bố nhưng không thu hồi visa và không cấm bay.

Giới chức Mỹ hiện đang khẩn trương tìm hiểu các mối quan hệ của nghi phạm. Giới chức tại Anh và Nigeria cũng tiến hành những cuộc điều tra tương tự.

Người hàng xóm gần gũi Basiru Sani Hamza, 35 tuổi, cho hay anh tin rằng Abdulmutallab không nhiễm các tư tưởng cực đoan từ gia đình hoặc tại Nigeria.

“Hồi nhỏ, Abdulmutallab là một người sùng đạo và rất nghe lời cha mẹ. Tôi tin rằng khi đi học, anh ta đã bị dụ dỗ để thực hiện cuộc tấn công này. Anh ta đã phụ bạc cha mình, người đã chăm lo tất cả cho anh ta”.

Giáo viên Michael Rimmer tại Trường Quốc tế Anh ở Togo cho biết không hay tin về người học trò cũ kể từ năm 2003. Abdulmutallab sau đó chuyển tới học ngành tài chính doanh nghiệp tại trường University College London ở London. Trường này cho hay, anh ta đã tốt nghiệp từ năm ngoái.

Sau vụ khủng bố bất thành tại thành phố Detroit, các nhà chức trách Mỹ đã tăng cường các biện pháp an ninh đối với các sân bay, thay thế các thiết bị quét hiện đại đối với hành khách. Những biện pháp an ninh bổ sung cũng được nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới áp dụng.

An Bình
Theo AP