1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nghi nổ trên cầu Crimea, giao thông bị chặn khẩn cấp

Thành Đạt

(Dân trí) - Giao thông trên cầu Kerch nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar của Nga đã bị đình chỉ vì tình huống "khẩn cấp".

Nghi nổ trên cầu Crimea, giao thông bị chặn khẩn cấp - 1

Cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea (Ảnh: Most.life).

Vào sáng sớm hôm nay 17/7, Thống đốc Crimea Sergei Aksyonov thông báo hoạt động giao thông qua cầu Kerch đã bị đình chỉ do tình huống khẩn cấp xảy ra tại nhịp cầu số 145 tính từ vùng Krasnodar của Nga.

Thống đốc Aksyonov kêu gọi người dân tránh đi qua cây cầu bắc qua eo biển Kerch. Cây cầu dài 19 km - dài nhất châu Âu, nối bán đảo Crimea và vùng Krasnodar của Nga.

Các video được đăng lên mạng xã hội cho thấy tình trạng tắc đường trên cầu, khiến các tài xế phải quay xe.

Các thông tin chưa được xác minh trên Telegram cho rằng đã có "vụ nổ" trên cây cầu. Kênh Baza đưa tin có 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Các kênh khác dẫn lời các nhân chứng nói rằng họ nghe thấy những tiếng nổ lớn.

Hãng thông tấn RBC-Ukraine đưa tin đã nghe thấy tiếng nổ trên cầu.

Kênh Grey Zone của Nga, một kênh Telegram được nhiều người theo dõi có liên kết với tổ chức quân sự tư nhân Nga Wagner, cho biết hai vụ nổ đã xảy ra trên cầu lúc 3h04 và 3h20.

Nghi nổ trên cầu Crimea, giao thông bị chặn khẩn cấp - 2

Bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine (Ảnh: Guardian).

Vào ngày 8/10/2022, một xe tải đã nổ tung trên cầu Kerch, khiến hai nhịp cầu đường bộ bị sập một phần xuống biển, đồng thời 7 toa nhiên liệu của một đoàn tàu chở hàng đang đi trên đoạn đường ray liền kề bốc cháy. 3 người đã thiệt mạng sau vụ việc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ nổ cầu là một cuộc tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Ngay sau vụ tấn công, nhà chức trách Nga đã công bố một loạt biện pháp khắc phục thiệt hại và đảm bảo ổn định giao thông giữa Crimea và vùng Krasnodar. Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh tăng cường đảm bảo an ninh cho giao thông đi qua eo biển Kerch, cũng như cơ sở hạ tầng điện và năng lượng trong khu vực.

Vào thời điểm đó, các quan chức Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky, tuy không trực tiếp, nhưng đã bóng gió về trách nhiệm của Kiev đối với vụ khủng bố trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội.

Cố vấn Tổng thống Mykhailo Podolyak đã viết cuộc tấn công vào cây cầu chỉ là "khởi đầu", "mọi thứ bất hợp pháp phải bị phá hủy" và "mọi thứ bị chiếm phải được trả lại cho Ukraine".

Một tuần sau vụ tấn công, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố Tổng cục Tình báo quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau vụ nổ.

Sputnik đầu tháng này đưa tin, Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận vụ tấn công cầu Crimea là do Kiev dàn dựng. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar thừa nhận chính quyền Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công cây cầu huyết mạch này vào mùa thu năm 2022.

"Đã 273 ngày trôi qua, kể từ khi chúng tôi giáng đòn tấn công đầu tiên vào cầu Crimea để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của người Nga," bà viết trên Telegram.

Nga đã tiến hành một loạt cuộc tập kích bằng tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Ukraine sau vụ tấn công cây cầu sau khi xác nhận sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm Ukraine. Các cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và các cơ quan liên lạc và chỉ huy quân sự trên khắp đất nước.

Theo RT, Reuters