1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ngày "tĩnh lặng" đặc biệt ở Hàn Quốc

(Dân trí) - Ngày tất cả sĩ tử ở Hàn Quốc bước vào kỳ thi đại học được gọi là ngày Suneung hay ngày tĩnh lặng khi nhịp sống hàng ngày ở xứ sở kim chi gần như ngưng lại để phục vụ cho cuộc thi quan trọng này.


Hơn nửa triệu sĩ tử Hàn Quốc ngày 15/11 bước vào kỳ thi đại học quan trọng. (Ảnh: Getty)

Hơn nửa triệu sĩ tử Hàn Quốc ngày 15/11 bước vào kỳ thi đại học quan trọng. (Ảnh: Getty)

Sáng 15/11, hơn nửa triệu sĩ tử trên khắp Hàn Quốc chính thức bước vào kỳ thi được coi là bước ngoặt với cuộc đời họ - kỳ thi đại học. Vào ngày này, không chỉ các thí sinh tới trường dự thi mà rất nhiều hoạt động khác trên cả đất nước Hàn Quốc phải tạm ngừng để giữ im lặng gần như tuyệt đối cho kỳ thi.

Vào tháng 11 hàng năm, ngày Suneung sẽ khiến nhịp sống trên cả đất nước Hàn Quốc tạm ngưng lại. Trên khắp thủ đô Seoul, các cửa hàng đều đóng cửa, công sở ngừng hoạt động, thậm chí thị trường chứng khoán cũng mở cửa muộn hơn so với bình thường. Hầu hết công trường đều ngừng hoạt động, các máy bay không được phép cất cánh, các hoạt động huấn luyện quân sự cũng phải tạm ngừng.

Tất nhiên, đôi khi vẫn có những âm thanh phá vỡ sự im lặng này như tiếng xe cảnh sát dẹp đường để đưa các thí sinh bị trễ giờ tới địa điểm thi.

Vào ngày này, nhiều phụ huynh học sinh dành cả ngày để cầu nguyện tại các chùa hay nhà thờ với hy vọng con cái mình có thể vượt qua kỳ thi quan trọng.

Lee Jin-yeong, 20 tuổi, phải trải qua 2 ngày Suneung trước khi đỗ vào đại học. Cô chia sẻ: "Khoảng một tuần trước kỳ thi, tôi phải tập thức dậy từ 6h sáng để đầu óc minh mẫn. Tôi luôn tự nói với bản thân rằng đã học chăm chỉ suốt thời gian qua và bây giờ chỉ là lúc cần thể hiện chúng".

Cô nhớ, năm ngoái cô đến trường thi khoảng 7h30. Một nhóm sinh viên năm nhất đã đứng sẵn ở đó, cầm theo các khẩu hiệu chúc đàn em thi tốt.

Tại lối vào khu vực hội đồng thi, các giám thị trực sẵn để thu lại những đồ vật mà thí sinh mang theo như điện thoại, đồng hồ, túi xách và sách vở. "Tất cả mọi người đều im lặng. Thậm chí các giám thị cũng được yêu cầu sử dụng loại giày thể thao để không gây ra tiếng động có thể làm phân tán sự tập trung của thí sinh", cô Lee cho biết.

Tác giả của đề thi gồm khoảng 500 giáo viên được tuyển chọn trên khắp Hàn Quốc. Từ tháng 9, họ được đưa tới một địa điểm bí mật ở vùng núi Gangwon để soạn đề thi. Trong suốt một tháng, họ không được phép sử dụng điện thoại hay liên lạc với bên ngoài.


Phụ huynh tới chùa cầu nguyện cho các sĩ tử. (Ảnh: Getty)

Phụ huynh tới chùa cầu nguyện cho các sĩ tử. (Ảnh: Getty)

Kỳ thi đại học có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt ở một đất nước trọng bằng cấp như Hàn Quốc. Điều đó cũng gây áp lực học hành lớn đối với học sinh cũng như với các bậc phụ huynh ở xứ sở kim chi này.

Thông thường, điểm thi sẽ được công bố khoảng 1 tháng sau kỳ thi. Jin-yeong, một sĩ tử từng trải qua cảm giác trượt đại học, chia sẻ: "Khi biết điểm thi của mình không đạt, trái tim tôi như tan vỡ. Tôi cảm giác chỉ muốn biến mất khỏi hành tinh này". Một năm sau đó, Jin-yeong đã đậu kỳ thi sau nhiều nỗ lực.

Một sĩ tử khác có tên Eun-suh chia sẻ: "Nếu muốn được công nhận, nếu muốn đạt được giấc mơ của mình, các bạn cần đỗ vào một trong 3 trường đại học danh tiếng. Mọi người sẽ đánh giá bạn qua bằng cấp và nơi bạn tốt nghiệp". 3 trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc mà Eun-suh đề cập đến là Đại học Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei. Những ngôi trường này được coi như Đại học Harvard, Yale hay Oxford, Cambridge của Hàn Quốc.

Minh Phương

Theo BBC