1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngày tàn của IS

“IS đang đến ngày tận thế khi Mosul thất thủ”- truyền thông phương Tây ngày 31/5 đồng loạt đưa tin. Mosul, được coi là thành lũy cuối cùng của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trên đất Iraq. Từ ngày 30/5, người ta đã chứng kiến những cột khói đen bốc cao từ thành phố này. Những đám khói đen đó được cho là hành động của IS tiêu hủy tài liệu trước khi tháo chạy.

Lực lượng chống khủng bố Iraq trên đường phố Mosul.
Lực lượng chống khủng bố Iraq trên đường phố Mosul.

Bờ vực của sự sụp đổ

Thông tin trên tờ Al-Arabiya ngày 31/5 cho rằng, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bắt đầu đốt rất nhiều tài liệu lưu trữ và sổ sách vốn rất quan trọng với chúng tại thành cổ Mosul.

“Chí ít thì từ sáng sớm 30/5, người ta đã ghi nhận động thái này”, tờ Al-Arabiya dẫn lời một sĩ quan thuộc lực lượng chống khủng bố cho biết, đồng thời nhận định “hành động đốt và thiêu hủy kho dữ liệu này là bằng chứng cho thấy tổ chức IS đang trên bờ vực sụp đổ”.

Giới thạo tin cho rằng, phiến quân IS đã đốt một số lượng lớn tài liệu trong các cơ quan đầu não, bao gồm Al Hessbah và các văn phòng quân sự tại trụ sở chính. Tuy nhiên, những tay súng IS cũng đã được điều chuyển sang khu vực khác. “Và đó vẫn là mầm mống của khủng bố”- Al-Arabiya nhận xét.

Một sĩ quan lực lượng chống khủng bố cho rằng, việc IS cố gắng thủ tiêu các tài liệu quan trọng là để che giấu tội ác chống lại dân thường của chúng bị phanh phui khi Mosul thất thủ.

Chúng muốn xóa bỏ danh tính những kẻ đã đồng lõa với phiến quân sát trong cuộc chiến tàn bạo suốt những năm qua. Trong trường hợp này có thể dẫn tới 2 khả năng:

Thứ nhất, IS biết rằng cuộc chiến tại thành cổ Mosul sẽ kết thúc sớm khi mà phiến quân IS đã phải hứng chịu thất bại liên tiếp. Nhóm lãnh đạo IS đã đào thoát khỏi thành phố này.

Thứ hai, chấp nhận Mosul thất thủ, IS sẽ áp dụng chiến thuật “dàn mỏng” khi nhóm lãnh đạo phiến quân từ Iraq đã sang Syria và một số quốc gia khác, tiếp tục hoạt động khủng bố. Điều này trên thực tế đã diễn ra khi mà không ít kẻ theo IS đã trở về quê hương tại châu Âu hay Đông Nam Á và gây ra những vụ khủng bố kiểu “sói đơn độc”.

Đòn đánh cuối cùng

Trước đó, ngày 29/5, Chính phủ Iraq tuyên bố đã giải phóng 95% lãnh thổ phía Tây Mosul.

Cuộc chiến kéo dài gần 7 tháng được cho là đợt tấn công quy mô nhất của quân đội Chính phủ Iraq nhằm lấy lại Mosul từ tay IS. Lực lượng phiến quân đã ngoan cố cầm cự và trong thời gian đó cũng mở một số đợt phản kích.

Tuy nhiên, gọng kìm ngày càng siết lại và các lực lượng vũ trang của Iraq đã giành quyền kiểm soát phần lớn mạn phía Đông và phía Tây của thành phố.

“Chúng tôi sẽ xóa sổ IS trên lãnh thổ Iraq. Và điều này sẽ đến sớm”- một chỉ huy bộ binh Chính phủ khẳng định.

Tuyên bố này phù hợp với việc khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thị sát thực địa phía Tây Mosul đã nói rằng, quân đội nước này đang thực hiện các bước cuối cùng đánh bật các phần tử IS ra khỏi những khu vực còn lại tại đây.

Thủ tướng Abadi khẳng định. “Lực lượng IS tại đây đã tan rã và không còn khả năng phản công”.

Cuộc tấn công của quân đội Chính phủ vào phía Tây Mosul ngày 29/5 được coi là đòn tổng lực vào phiến quân IS tại địa bàn quan trọng này. Thủ tướng Abadi đánh giá cao sức mạnh và lòng dũng cảm của quân đội khi họ lần lượt giải phóng nhiều thị trấn và làng mạc tại khu vực giáp biên với Syria.

Ngay trong ngày 29/5, quân đội Chính phủ đã thâm nhập các khu vực trọng điểm ở ngoại ô, chốt chặn bệnh viện Cộng hòa nằm ở phía Bắc thành cổ Mosul. Trên trời, máy bay liên tiếp rải truyền đơn kêu gọi người dân sơ tán khỏi các khu vực chiến sự.

“Lực lượng vũ trang của Chính phủ đang dồn ép phiến quân IS, mặc dù vẫn vấp phải sự kháng cự”- ông Khalfaf Badran, Chỉ huy Cảnh sát liên bang Iraq (IFP) cho biết.

“Chúng lợi dụng địa hình khó khăn của thành phố và các con hẻm hẹp, sử dụng dân thường làm lá chắn sống nhằm kháng cự lại quân đội Chính phủ. Nhưng điều đó cũng chỉ là sự giãy chết cuối cùng mà thôi”- ông Badran nói.

Trong khi đó, Liên hợp quốc đã lên tiếng lo ngại về một thảm họa nhân đạo, khi hàng chục nghìn người dân tại các khu vực do IS chiếm đóng ở Mosul đang rơi vào tình trạng thiếu thức ăn, nước uống và thuốc chữa bệnh.

Điều phối viên về nhân đạo của LHQ tại Iraq- Lise Grande nhận xét, có thể 200.000 người dân đã và đang lâm vào tình thế khó khăn.

Cũng chính vì dân cư đông đúc, lại bị IS sử dụng làm lá chắn sống nên bước tiến của quân đội Chính phủ không được nhanh, mạnh như mong muốn.

Suốt từ tháng 1/2017, quân Chính phủ đã giải phóng Đông Mosul từ tay IS, nhưng trận chiến giằng co khi tấn công sang phía Tây Mosul.

Cũng cần nhắc lại, thành cổ Mosul là một khu vực hẹp, đông dân cư, là nơi trú ẩn cuối cùng của các tay súng IS và là nơi Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của nhóm khủng bố này từng tuyên bố thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo”.

Tuy nhiên, giấc mơ của IS đã trở nên hão huyền khi Mosul thất thủ, ngày tàn của chúng đã điểm.

Người phát ngôn của lực lượng chống khủng bố Iraq, Chuẩn tướng Yahya Rasool khẳng định, việc giải phóng Mosul thoát khỏi sự kiểm soát của IS đang được tính theo giờ. Giải phóng thành phố Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria sẽ là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, đặt dấu chấm hết cho một đế chế cực đoan tự xưng mang tên Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tại khu vực Trung Đông.

Theo Ngọc Quang

Đại đoàn kết