1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngày đầu tiên của APEC: Cơ hội giải quyết các tranh chấp

(Dân trí) - Hai cuộc gặp thượng đỉnh Nhật -Trung và Nhật – Nga hôm qua dường như đã lấn lướt các cuộc thảo luận về thương mại trong ngày họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Yokohama (Nhật Bản).

Dư luận cho rằng hội nghị APEC lần này có thể giúp giải quyết các cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng như Nhật Bản và Nga.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng từ ngày 7/9, khi một tàu cá Trung Quốc đâm vào hai tàu tuần duyên Nhật Bản gần khu vực quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, nơi hai nước đang tranh chấp chủ quyền. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Naoto Kan bên lề thượng đỉnh APEC.
 
Ngày đầu tiên của APEC: Cơ hội giải quyết các tranh chấp  - 1
Chủ tịch Trung Quốc (trái) gặp Thủ tướng Nhật Bản bên lề APEC

Theo phía Nhật Bản, hai bên đồng ý về sự cần thiết của một mối quan hệ song phương ổn định lâu dài. Phó phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Kan đã trình bày “quan điểm cứng rắn” của Nhật Bản trên vấn đề chủ quyền tại quần đảo Senkaku, và đôi bên đồng ý là một mối quan hệ ổn định lâu dài, có lợi cả cho hai phía là điều cần thiết để bảo đảm cho sự phát triển hòa bình của khu vực.

Về phần mình Trung Quốc cam kết thúc đẩy trở lại các hoạt động xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản. Bộ truởng Thương mại của Nhật Bản, ông Akihiro Ohata cho biết là phía Bắc Kinh ý thức được rằng ngành xuất khẩu của Nhật Bản đã bị xáo trộn vì thiếu đất hiếm và Trung Quốc đang xét lại thủ tục để thúc đẩy trở lại xuất khẩu kim loại hiếm sang Nhật Bản

Nga và Nhật Bản cũng khẳng định tinh thần phát triển toàn diện quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, nhân đạo và chính trị, sau khi quan hệ hai nước căng thẳng sau chuyến đi của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới một trong bốn hòn đảo tranh chấp giữa hai nước. Đó là kết quả đạt được trong cuộc gặp giữa ông Medvedev và ông Kan tại Yokohama ngày hôm qua.
 
Ngày đầu tiên của APEC: Cơ hội giải quyết các tranh chấp  - 2
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Nhật đầu tiên kể từ khi nổ ra tranh cãi lớn về chuỗi đảo tranh chấp giữa hai nước
 
Tại cuộc hội đàm, hai bên tiếp tục khẳng định lập trường của mỗi nước về vấn đề chủ quyền tại quần đảo tranh chấp. Tổng thống Medvedev cho biết Mátxcơva muốn đẩy mạnh các cuộc đối thoại giữa hai nước nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp. Ông cho rằng “cuộc hội đàm hôm nay và các cuộc tiếp xúc khác giữa hai nước sẽ tạo lập nền tảng để đẩy mạnh các cuộc đối thoại giữa hai nước.”

Tổng thống Medvedev cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động tích cực hơn trên trường quốc tế, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Nga và Nhật Bản có thể góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề ở khu vực này.

Về phần mình, Thủ tướng Kan cho biết ông hy vọng cuộc hội đàm lần này sẽ mở ra một cuộc đối thoại toàn diện trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau giữa Mátxcơvà và Tokyo.

Ngày đầu tiên của APEC

Bị chỉ trích tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 tại Seoul, Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị APEC hôm qua đã bảo vệ chính sách kinh tế của Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng. Ông đã ghi nhận là 7 trong số 15 đối tác kinh tế hàng đầu của Mỹ là thành viên APEC. Ông cũng nói với Nhật Bản và Trung Quốc rằng châu Á, nay trở thành công xưởng của thế giới, “đừng tính đến việc xây dựng sự thịnh vượng của mình dựa trên hàng hóa xuất khẩu qua Mỹ”.

Mỹ đang hô hào thiết lập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mục đích chính là tháo gỡ thuế nhập khẩu tại 9 nước, trong đó có Nhật Bản. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng TPP là bước đầu tiến đến một hiệp định thương mại của tất cả các nước APEC, hy vọng có thể giúp Mỹ tăng gấp đôi xuất khẩu trong 15 năm tới.
 
Ngày đầu tiên của APEC: Cơ hội giải quyết các tranh chấp  - 3


Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Yokohama ngày 13/11

Sau ông Obama, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tái khẳng định cam kết sẽ cải cách tiền tệ dần dần và cân bằng mậu dịch. Ông đã trả lời tổng thống Mỹ rằng Trung Quốc sẽ tập trung đẩy mạnh các nhu cầu của thị trường nội địa và cải tổ tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, nhưng sẽ thực hiện những việc này theo tốc độ của riêng họ. “Không nước nào nên cho rằng con đường dẫn tới thịnh vượng của họ chỉ dựa vào việc xuất khẩu hàng sang Mỹ”, ông nói.

Trung Quốc đứng trước nhiều áp lực phải giảm bớt thặng dư mậu dịch và tái định giá đồng Nhân dân tệ. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng hứa hợp tác với cộng đồng quốc tế.

Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC với các cuộc hội đàm tập trung vào cách thức thiết lập một khu vực mậu dịch chung cho khu vực. Dư luận cho rằng lãnh đạo APEC sẽ ra tuyên bố chung khẳng định sẽ tiến hành các mục tiêu thương mại như thế nào, trước khi hội nghị bế mạc vào hôm nay, 14/11.

Việt Hà
Tổng hợp