1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngày chết chóc nhất trong các bệnh viện tại Pháp

(Dân trí) - Các bệnh viện tại Pháp ngày 3/4 đã ghi nhận số ca tử vong trong 24 giờ cao nhất từ trước đến nay, đồng thời vượt Trung Quốc về số ca nhiễm và nghi nhiễm virus corona.

 
Ngày chết chóc nhất trong các bệnh viện tại Pháp - 1

Các nhân viên y tế làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện Louis Pasteur ở Colmar, phía đông Pháp. (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại cuộc họp báo thường ngày hôm 3/4, Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp Jerome Salomon cho biết các bệnh viện tại Pháp đã ghi nhận 588 ca tử vong mới vì Covid-19. Đây là số ca tử vong cao nhất trong 24 giờ tại các bệnh viện ở Pháp.

Tính đến ngày 3/4, ít nhất 5.091 người chết vì Covid-19 tại các bệnh viện ở Pháp kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát.

Ngoài số ca tử vong tại các bệnh viện, ông Salomon cho biết ít nhất 1.416 người đã thiệt mạng tại các viện dưỡng lão ở Pháp sau khi bị nhiễm virus corona chủng mới.

Giới chức y tế Pháp bắt đầu công bố số ca tử vong vì Covid-19 tại các viện dưỡng lão từ ngày 2/4. Tổng cộng, Pháp ghi nhận 6.507 người chết vì Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại.

Lãnh đạo cơ quan y tế Pháp cho biết tổng số ca mắc Covid-19 tại các bệnh viện trên cả nước hiện ghi nhận 64.338 trường hợp, tăng so với 59.105 trường hợp hôm 2/4.

Ông Salomon ngày 3/4 cũng thống kê 17.827 ca nhiễm hoặc nghi nhiễm virus corona chủng mới tại các viện dưỡng lão ở Pháp, tăng so với 14.638 trường hợp được ghi nhận trước đó một ngày.

Với việc bổ sung thêm số liệu từ các viện dưỡng lão, Pháp hiện có tổng cộng 82.165 ca nhiễm hoặc nghi nhiễm virus corona. Theo thống kê của Reuters, nếu tính cả số liệu tại các bệnh viện và viện dưỡng lão, Pháp hiện đứng cùng nhóm với Mỹ, Tây Ban Nha, Italia và Đức - những nước có số ca mắc Covid-19 vượt Trung Quốc.

Là nơi khởi phát dịch, Trung Quốc đại lục ghi nhận 3.322 ca tử vong và 81.620 ca mắc Covid-19. Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới với 276.965 trường hợp, trong khi số ca tử vong cũng lên tới 7.391 người.

Theo ông Salomon, hiện vẫn sớm khi cho rằng Pháp đã đạt đến đỉnh dịch Covid-19. Các bệnh viện tại Pháp vẫn đang chạy đua để bổ sung thêm giường chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tối 2/4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe kêu gọi người dân tuân thủ lệnh phong tỏa được Pháp áp dụng từ ngày 17/3. Ông Philippe cho biết lệnh phong tỏa có thể sẽ được kéo dài hơn so với hạn chót đặt ra ban đầu là ngày 15/4.

Khi kỳ nghỉ mùa xuân sắp tới gần, thủ tướng Pháp yêu cầu người dân hạn chế các kế hoạch nghỉ dưỡng, đồng thời cảnh báo sẽ xử phạt các trường hợp vi phạm. 

Ngoài Pháp, số ca tử vong và mắc Covid-19 tại các nước châu Âu vẫn tiếp tục tăng trong những tuần gần đây.

Italia hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất tại châu Âu với 14.681 người chết và 119.827 người nhiễm. Italia cũng là nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.

Tây Ban Nha được dự đoán có thể sẽ vượt qua Italia trên bảng thống kê về Covid-19. Số ca tử vong tại Tây Ban Nha hiện ghi nhận 11.198 trường hợp, thấp hơn Italia hơn 3.000 ca, tuy nhiên số ca nhiễm tại Tây Ban Nha (119.199 ca) hiện đã gần bằng Italia.

Với 3.695 người chết, Anh ngày 3/4 đã vượt Trung Quốc về số ca tử vong. Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 tại Anh hiện ở mức hơn 38.000 người.

Mặc dù là nước có số ca nhiễm tương đối cao với 91.159 trường hợp, song số ca tử vong vì Covid-19 tại Đức hiện mới ghi nhận 1.275 trường hợp.

Hà Lan Bỉ cũng được xem là 2 điểm nóng dịch bệnh tại châu Âu với số người chết lần lượt là 1.487 và 1.143 trường hợp. Trong khi đó, Thụy Sĩ cho đến nay có ít nhất 591 ca tử vong và 19.606 ca nhiễm.

Thành Đạt

Tổng hợp