Ngày 16/10: Bỏ phiếu bầu Việt Nam vào Hội đồng Bảo an LHQ
Ngày 16/10, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) sẽ diễn ra việc bỏ phiếu bầu Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) khoá 2008 - 2009. Việt Nam đã được nhóm các nước Châu Á đề cử là ứng cử viên duy nhất của châu lục cho vị trí này.
Việt Nam chính thức đăng ký trở thành ứng cử viên HĐBA từ cách đây 10 năm, năm 1997. Các thành tựu của sự nghiệp đổi mới và phát triển của Việt Nam đã tạo nên vai trò mới của Việt Nam trên trường quốc tế và được nhiều thành viên LHQ biết đến. Đó cũng là ý kiến của các Đại sứ Nga, Đại sứ Anh tại Việt Nam - hai thành viên thường trực của HĐBA LHQ.
Đại sứ Nga Vadim Serafimov: Minh chứng về việc Việt Nam vượt lên tầm cao mới
Đại sứ Serafimov khẳng định, việc (Việt Nam) VN phấn đấu trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ có cơ sở nền móng vững chắc là những kết quả phát triển kinh tế - xã hội quan trọng và những thành tựu ấn tượng mà VN đạt được trên trường quốc tế, là uy tín không ngừng được nâng cao của VN trong khu vực và trên thế giới.
Nền tảng vững chắc
Chính sách đối ngoại mà VN đang tiến hành dựa trên các nguyên tắc tự chủ, mở cửa và đa phương được cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga, đánh giá cao. VN đang hội nhập thành công, với nhịp độ cao vào hệ thống quan hệ kinh tế thế giới. Điều quan trọng là các đối tác VN của chúng tôi đang tiến hành một đường lối nhất quán duy trì quan hệ thân thiện, mang tính xây dựng và cùng có lợi với tất cả các nước.
Tiếng nói của Hà Nội ngày càng có trọng lượng. Việc giữ vững sự ổn định chính trị trong nước, tiến hành thắng lợi những cải cách kinh tế thị trường đang tạo điều kiện giúp VN trong nhiều năm nay giữ vững vị trí thứ hai ở Châu Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Từ đó, tôi cho rằng hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà nhóm
"Tôi hy vọng trong hai năm tới, sự hợp tác của chúng ta trong khuôn khổ LHQ để giải quyết các vấn đề thời đại cấp bách sẽ vượt lên một tầm cao mới" - Đại sứ Nga tại Việt Nam Vadim Serafimov. |
Chúng tôi đánh giá cao việc VN đã nhận thức đầy đủ rằng, việc trở thành thành viên HĐBA không chỉ là nhân tố hết sức quan trọng nâng cao uy tín chính trị đối ngoại, mà còn là trách nhiệm hết sức lớn lao. Chính sự trưởng thành về chính trị và sự sẵn sàng về tinh thần đó của Hà Nội phần nhiều đã xác định thái độ của chúng tôi đối với mong muốn của VN trở thành thành viên không thường trực của HĐBA.
"Dấu ấn triết lý"
Nga hy vọng, nếu trúng cử uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ, VN sẽ góp phần củng cố tổ chức này, tích cực tham gia vào việc tăng cường hơn nữa vai trò của LHQ. Chúng tôi tin tưởng rằng "dấu ấn triết lý" của sự kiện VN tham gia vào công việc của HĐBA sẽ là việc tăng cường vai trò, uy tín, hiệu quả của hội đồng về mọi mặt trong việc thông qua các quyết định về những vấn đề chính trị thế giới căn bản, bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và không cho phép áp dụng chính sách "chuẩn mực kép".
Mátxcơva và Hà Nội có quan điểm gần gũi và trùng hợp nhau trong phần lớn các vấn đề thời sự quốc tế. Trong khuôn khổ LHQ, chúng ta đoàn kết ủng hộ việc đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các nước, thể hiện sự lo ngại đối với tình hình nguy hiểm dễ bùng nổ hiện nay ở Iraq, ủng hộ đẩy nhanh việc giải quyết tình hình tại Trung Đông và xung quanh Iran, tại Afghanistan và Châu Phi.
Cả hai nước đều thừa nhận vai trò trung tâm của LHQ trong việc duy trì ổn định và an ninh thế giới. Nga và VN đánh giá ý nghĩa quan trọng của việc thông qua các biện pháp được thoả thuận tập thể giúp có thể điều khiển được các tiến trình toàn cầu hoá, để cho tác dụng tích cực của toàn cầu hoá được phân bố đồng đều hơn giữa tất cả các thành viên cộng đồng thế giới và khắc phục được những hậu quả tiêu cực của nó.
Chính vì vậy nên chúng tôi trông đợi việc VN được bầu làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 sẽ tạo điều kiện để chúng ta có thể phối hợp chặt chẽ hơn những nỗ lực ngoại giao của mình. Trước hết là nói đến sự hợp tác trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường quy chế không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, chống lại mọi hình thức và biểu hiện phân biệt và kỳ thị chủng tộc, bài ngoại, trong việc tăng cường khả năng của đất nước về giảm thiểu hậu quả thiên tai, bảo vệ khí hậu toàn cầu, chống tình trạng sa mạc hoá, bảo tồn đa dạng sinh học...
Còn một yếu tố nữa không kém quan trọng là sự gần gũi về quan điểm của Nga và VN về vấn đề cải tổ LHQ và các cơ quan LHQ mà trước hết là HĐBA. Cả hai nước cùng cho rằng mục tiêu chính của cải cách LHQ là để nâng cao tính hiệu quả, tăng cường thuộc tính liên quốc gia của nó. Chúng ta thống nhất rằng, các quyết định về việc cải tổ LHQ cần được thông qua trên cơ sở có sự nhất trí rộng rãi nhất của các quốc gia thành viên. Tôi mong muốn VN nhận được kết quả tốt đẹp trong vòng bỏ phiếu bầu sắp tới.
Theo Mỹ Hằng
Lao động