1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bình luận cuối tuần:

Ngân sách quốc phòng Mỹ: Súng nhiều hơn bơ

(Dân trí) - Việc Tổng thống Mỹ George W. Bush hồi đầu tuần đệ trình trước Quốc hội một ngân sách quốc phòng trị giá tới 716,5 tỷ USD đã khiến nhiều người trong nước và nước ngoài khiếp hãi.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết khoản ngân sách trên có thể được xem là nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm đưa chi tiêu quốc phòng vào vòng kiểm soát và làm tăng tính minh bạch của nó.

 

Khoản ngân sách trên sẽ bao gồm 235,1 tỷ USD dành cho cuộc chiến tại Iraq và Afganistan. Số còn lại là 481,4 tỷ USD sẽ là ngân sách quốc phòng hàng năm dành cho tài khóa 2008. Đây sẽ là một trong những khoản chi quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

 

Năm 1952, trong thời gian diễn ra Chiến tranh Triều Tiên, ngân sách quốc phòng Mỹ đạt tới 497 tỷ USD. Năm 1968, thời gian diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, chi phí quốc phòng Mỹ lên tới 428 tỷ USD. Năm 1985, khi chính quyền Regan phát động cuộc chiến tranh giữa các vì sao, chi phí này là 453 tỷ USD.

 

Ông Steven Kosiak, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ cho biết chi phí quốc phòng của Mỹ trong năm 2008 sẽ là cao nhất tính từ thế chiến II tới nay.

 

Các mục tiêu lâu dài và cuộc chiến hiện tại

 

Việc chi phí quốc phòng của Mỹ tiếp tục gia tăng là câu chuyện vốn đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nếu không nói là nhiều thế kỷ, điều này phù hợp với chính sách của tất cả các đời tổng thống Mỹ nhằm duy trì vị thế siêu cường quân sự của nước này trên thế giới, coi đó như một công cụ để duy trì vị thế cường quốc của Mỹ.

 

Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi hàng năm, một phần lớn ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ được dành cho các chương trình hết sức tốn kém để phát triển và mua các loại vũ khí tối tân nhất trên thế giới.

 

Trong ngân sách quốc phòng năm 2008, số tiền được phân bổ dành cho việc mua và phát triển vũ khí mới sẽ là 140 tỷ USD. Các chương trình như máy bay chiến đấu F-22, máy bay chiến đấu thế hệ mới F-35, tàu khu trục DDG-1.000, tàu ngầm tấn công lớp Virginia và các vũ khí đặt trên vũ trụ, sẽ không bao giờ phải lo về việc cấp kinh phí.

 

Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền của ông Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đầy tốn kém sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ ngày càng cần nhiều tiền hơn cho ngân sách quốc phòng. Theo các thống kê của Quốc hội Mỹ, cho đến nay, chính quyền của ông Bush đã chi 500 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố và hầu hết số tiền này là dành cho cuộc chiến tại Iraq.

 

Tình hình này đặt ra một vấn đề đó là làm thế nào để phân bổ nguồn tiền này giữa cuộc chiến hiện nay với mục tiêu lâu dài nhằm duy trì vị thế độc tôn về quân sự của Mỹ trên thế giới. Nhằm giảm bớt mâu thuẫn này, chính quyền của ông Bush có vẻ như đang đặt hy vọng sẽ có thể sớm kết thúc cuộc chiến hiện nay.

 

Tăng súng, giảm bơ

 

Đáng chú ý, sự tăng vọt về chi phí quốc phòng của Mỹ trong kế hoạch ngân sách năm 2008 đạt được nhờ việc cắt giảm chi tiêu nội địa.

 

Trong khi ngân sách quốc phòng tăng tới 11,3%, các chương trình phi quân sự chỉ tăng nhẹ khoảng 1%. Nếu tính tới yếu tố lạm phát, ngân sách dành cho các chương trình phi quân sự trên thực tế là giảm. Nói cách khác, đây là một ngân sách "tăng súng giảm bơ". Kết quả chắc chắn sẽ khiến bất đồng giữa hai đảng tại Mỹ sẽ gia tăng và ngày một phức tạp.

 

Tất cả các chương trình phi quân sự đều phải đối mặt với nguy cơ cắt giảm ngân sách, trong đó có chương trình kinh tế và giáo dục, vốn là những chính sách ưu tiên của các đảng viên Đảng Dân chủ, những người đã cam kết với c tri sẽ đầu tư thêm cho các chương trình này khi họ trở lại nắm quyền tại Quốc hội hồi tháng trước.

 

Nhưng những người Dân chủ, trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2008, lại không sẵn sàng đề xuất cắt giảm mạnh chi phí quân sự, điều có thể khiến một số cử tri đánh giá là một động thái nhằm gây tổn thương cho quân đội Mỹ. Dự kiến, cuộc chiến này giữa hai đảng có thể kết thúc bằng cách cơ cấu lại một cách hạn chế ngân sách quân sự trên.

 

Theo các nhà phân tích, nếu kế hoạch ngân sách này vấn phải các vấn đề lớn, những người Dân chủ sẽ có nhiều cơ sở hơn để khai thác các sai lầm của chính quyền Bush, ngõ hầu làm tăng cơ hội của họ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.

 

Bất kể kết quả cuộc chiến giữa hai đảng kết thúc như thế nào, gánh nặng chiến tranh chắc chắn sẽ đè nặng lên vai các công dân Mỹ, những người hầu như chỉ quan tâm tới "bơ" chứ chẳng mấy để tâm gì tới "súng".

 

Kiến Văn

Theo Xinhua