1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngân sách quốc phòng - Cơn đau đầu của nước Mỹ

(Dân trí) - Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đang ráo riết đàm phán cho ngân sách 2013, trong đó nhức nhối nhất vẫn là bài toán cắt giảm chi tiêu. Hiện tại, ngân sách quốc phòng Mỹ chưa bị cắt giảm song xu thế này sẽ nhanh chóng bị đảo ngược trong nhiều năm tới.

 Ngân sách Quốc phòng, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại Mỹ hiện nay.

 Ngân sách Quốc phòng, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại Mỹ hiện nay.

 

Với tỷ lệ 98 phiếu thuận, Thượng viện Mỹ ngày hôm qua (4/12) đã nhất trí thông qua ngân sách năm 2013 cho Lầu Năm Góc. Theo đó, trong tài khóa 2013 (được tính từ 1/10/2012  đến 30/9/2013), Bộ Quốc phòng Mỹ được nhận tổng ngân sách 631 tỷ USD, so với mức 614 tỷ của tài khóa trước. Theo kế hoạch, dự luật ngân sách quốc phòng này còn phải chờ được Hạ viện thông qua trước khi trình lên Tổng thống Barack Obama ký phê chuẩn.

Mặc dù mức ngân sách quốc phòng mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua có tăng chút đỉnh (17 tỷ USD) so với tài khóa trước, cũng như so với mức đề xuất của Tổng thống Obama trong bối cảnh “chú Sam” đang đau đầu với kế hoạch cắt giảm nợ công, song xét theo cả tiến trình dài trong thời gian tới, con số này sẽ được thể hiện bằng một đường thẳng đi xuống trên biểu đồ ngân sách.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, trong 10 năm tới, ngân sách khổng lồ của họ sẽ bị giảm mạnh khi Lầu Năm Góc phải thắt chặt hầu bao khoảng 500 tỷ USD, tương đương mức sụt giảm bình quân 10%/năm. Nhiều nhà phân tích dự đoán mức cắt giảm ngân sách quân sự Mỹ có thể sẽ còn lớn hơn con số này, tùy theo kết quả thương thảo cụ thể giữa hai ngành hành pháp và lập pháp Mỹ.

"Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã chấp nhận giảm khoảng 500 tỷ USD trong thời hạn 10 năm và sẽ không cắt giảm thêm nữa. Nhưng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy các khoản chi tiêu quân sự sẽ tiếp tục bị thu hẹp”, chuyên gia phân tích Loren Thompson thuộc Viện nghiên cứu Lexington nhận định. Viện nghiên cứu Lexington hoạt động dưới sự tài trợ của giới công nghiệp hàng không quân sự Mỹ.

Ông Gordon Adams, Giáo sư trường Đại học Mỹ ở Washington, cũng cho biết tất cả các trung tâm tham vấn ở Mỹ đều dự đoán ngân sách quốc phòng Mỹ đang bắt đầu khựng lại và có xu hướng giảm mạnh, sau một thời gian dài được bổ sung liên tiếp và hiện đã lên mức gần gấp đôi kể từ khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

"Quân đội Mỹ đang chuẩn bị trải qua thời kỳ ăn kiêng tương tự như những năm sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 và chiến tranh Việt Nam 1975", Giáo sư Gordon Adams nói.

Cũng theo vị cố vấn Nhà Trắng về vấn đề ngân sách quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, chi tiêu quân sự có thể sẽ bị giảm tương đương với thời kỳ 1985 – 1998 với mức cắt giảm có thể lên tới 30 – 40%. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng đó, binh chủng nào trong số các lực lượng hải - lục - không quân và thủy quân lục chiến sẽ bị “rút hầu bào” nhiều nhất.

"Vấn đề đau đầu hiện nay đối với các nhà hoạch định chính sách và giới quân sự Mỹ không chỉ là việc cắt giảm bao nhiêu ngân sách quốc phòng, mà còn cắt giảm ở những hạng mục nào", một chuyên gia thuộc Trung tâm Thẩm định Chiến lược và Ngân sách (CSBA) chia sẻ.

CSBA đã huy động nhiều nhóm chuyên gia nghiên cứu phân tích khả năng Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm các khoản chi tiêu nào trong khuôn khổ kế hoạch giảm 500 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới. Theo luật bất thành văn, dù ngân sách bị thu hẹp bao nhiêu thì các nhà hoạch định chiến lược quân sự cũng "không được phép đụng đến" các lực lượng chiến đấu tối cần thiết tạo nên sức mạnh của Mỹ trong tương lai, như lực lượng đặc nhiệm, các đơn vị không gian mạng hay các đơn vị tấn công đường trường.

Các nhóm nghiên cứu của CSBA cho rằng trong tương lai, số lượng đặt mua chiến đấu cơ tàng hình F-35 và quân số lữ đoàn chiến đấu - nền tảng của lục quân - sẽ là những đơn vị chịu ảnh hưởng đầu tiên. Ngoài ra, số lượng chiến hạm hay các chương trình huấn luyện quân sự cũng sẽ chịu tác động từ việc cắt giảm ngân sách.        

“Theo truyền thống, việc cắt giảm ngân sách tác động nhiều nhất đến việc mua sắm thiết bị, tiếp đến là quy mô quân đội”, chuyên gia Gordon Adams giải thích, đồng thời đưa ra dẫn chứng về việc quân số lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã bị cắt giảm khoảng 100.000 người.

Ông Adams dự đoán quân số của Mỹ sẽ tiếp tục bị co lại từ 1,4 triệu người xuống còn 1,1 triệu, khi những người mãn hạn hợp đồng. Ngoài ra, số lượng 700.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng cũng sẽ bị thu hẹp.

Hiện người ta chưa biết liệu Hạ viện Mỹ và tiếp đó là Tổng thống Obama có phê chuẩn mức ngân sách quốc phòng 631 tỷ USD cho năm nay hay không, nhưng có một điều chắc chắn là con số này sẽ khó lòng được duy trì sang các  năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh Mỹ sẽ chấm dứt hoàn toàn sứ mệnh chiến đấu ở chiến trường Afghanistan từ cuối năm 2014. 

Việc ngân sách quốc phòng Mỹ bị thu hẹp đang khiến nhiều quốc gia châu Á lo ngại, cho rằng điều này sẽ tác động đáng kể đến chính sách xoay trục của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Mỹ đã ra sức trấn an các nước trong khu vực, đặc biệt là 3 đồng minh thân cận Nhật Bản, Australia và Philippines, rằng chiến lược xoay trục sẽ không bị ảnh hưởng và rằng, nếu có phải co hẹp về quân số cũng như thiết bị thì châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực cuối cùng được xét tới. Mỹ khẳng định có nhiều lợi ích tại khu vực này và không muốn các đồng minh của mình phải chịu lép vế trước sự trỗi dậy gây tranh cãi của một vài thế lực mới nổi ở châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Giang