1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ngăn chặn tàu ngầm Trung Quốc, Ấn Độ thiết lập mạng lưới cảm biến dưới đáy biển?

(Dân trí) - Câu hỏi trên đã được đưa ra thảo luận trong nhiều sự kiện liên quan đến hàng hải thời gian qua. Truyền thông Ấn Độ mới đây đã dẫn 1 báo cáo cho biết New Delhi đang có kế hoạch tham gia các dự án chung với Mỹ và Nhật Bản để nâng cao khả năng phòng vệ trên biển, bao gồm việc lắp đặt một Hệ thống nghe lén sóng âm dưới nước (SOSUS).


Một tàu ngầm Trung Quốc. (Ảnh: National Interest)

Một tàu ngầm Trung Quốc. (Ảnh: National Interest)

Trong bài viết đăng tải trên một tạp chí quân sự của Ấn Độ hồi tháng 4 vừa qua, ông Prasun Sengupta - nhà phân tích nổi tiếng và chuyên gia bình luận về quốc phòng của Ấn Độ, đã phỏng đoán rằng New Delhi đang cân nhắc việc để Nhật Bản hỗ trợ xây dựng mạng lưới hệ thống cảm biến đặt dưới biển trải từ khu vực Sumatra tới khu vực Indira Point ở Vịnh Bengal nhằm ngăn chặn tàu ngầm Trung Quốc tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ.

Theo chuyên gia Sengupta, bên cạnh việc cung cấp kinh phí để nâng cấp các căn cứ hải quân và xây dựng các trạm thu phát sóng điện tử và tín hiệu tình báo mới dọc chuỗi đảo Andaman và Nicobar, Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho hệ thống cáp quang ngầm dưới biển từ Chennai tới Cảng Blair. Một khi hoàn thành, hệ thống này có thể được kết nối với mạng lưới Hệ thống nghe lén sóng âm dưới nước "Fish Hook" của Mỹ và Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ tăng cường khả năng theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và vành đai Ấn Độ Dương.

Điểm khởi đầu cho quá trình hợp tác giữa các bên trên được cho là từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi năm ngoái, khi New Delhi và Washington nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Ấn Độ được cho là đã đồng ý thúc đẩy các kế hoạch của nước này nhằm tăng cường cho quá trình phòng vệ gần bờ sau khi các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Malaysia hồi tháng 3 đã ghi nhận mong muốn của New Delhi trong việc giữ vai trò an ninh lớn hơn.

Hiện chưa có bất cứ xác nhận chính thức nào liên quan tới hệ thống SOSUS của Ấn Độ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc có kế hoạch triển khai chiến lược Chống xâm nhập/Chống tiếp cận (A2/AD) ở khu vực Đông Á có thể đã dẫn tới phản ứng của Ấn Độ tại Vịnh Bengal. Trong một bài phân tích hồi tháng trước, chuyên gia về Trung Quốc, ông Lyle Goldstein đã khẳng định rằng Bắc Kinh đang trong quá trình tạo ra cái gọi là "Vạn lý Trường Thành" dưới đáy biển ở Biển Đông bằng cách thiết lập mạng lưới cảm biến để nghe lén các hoạt động của tàu ngầm Mỹ dưới đáy biển. Mạng lưới này của Trung Quốc được cho là sao chép hệ thống SOSUS của Mỹ, vốn từng được phát triển với mục đích đầu tiên để theo dõi tàu ngầm Liên Xô cũ. Các báo cáo cho thấy việc quân đội Trung Quốc đang triển khai mạng lưới hệ thống cảm biến dưới đáy biển đã dẫn tới việc Ấn Độ cũng theo đuổi một dự án tương tự tại vùng biển Nam Á.

Tuy nhiên, hệ thống của Ấn Độ được đánh giá có nhiều lợi thế hơn nếu nhận được sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản ở khu vực Thái Bình Dương rộng lớn. Kể từ đầu những năm 2000, khi hoạt động tuần tra bằng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc được đẩy mạnh, Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng một chuỗi hệ thống dưới đấy biển để theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Từ đây, "Tuyến Phòng vệ Dưới đáy biển Fish Hook" đã ra đời vào đầu năm 2005, trải dài từ Nhật Bản tới khu vực Đông Nam Á với những hệ thống chính đặt ở Okinawa, Guam và Đài Loan. Hệ thống này bao gồm hai mạng lưới nghe lén các hoạt động của tàu ngầm đối phương, bao gồm một hệ thống từ Okinawa tới phía Nam Kyushu và hệ thống còn lại từ Okinawa tới Đài Loan.

Hồi tháng 7/2013, Bắc Kinh từng khẳng định rằng Mỹ và Nhật Bản đã thiết lập "các hệ thống theo dõi dưới đáy biển quy mô lớn" ở khu vực phía Nam và Bắc của Đài Loan. Các hệ thống này được cho là từ Yonaguni tới quần đảo Senkaku và một hệ thống bao trọn Kênh đào Bashi tới Philippines. Ngoài ra, giới phân tích Trung Quốc cũng nhận định các hệ thống nghe lén hoạt động dưới đáy biển đã được lắp đặt ở vùng biển gần với căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc tại Qingdao, Xiaopingdao và Yulin trên đảo Hải Nam.

Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ cần cân nhắc việc lắp đặt thiết bị nhạy cảm từ một đối tác nước ngoài, đặc biệt là trong vấn đề chia sẻ dữ liệu cảm biến quan trọng. Ví dụ như trong trường hợp tham gia hệ thống với Mỹ và Nhật Bản, toàn bộ thông tin sẽ được cung cấp cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, trong khi các cơ sở thuộc hệ thống theo dõi cũng thuộc quyền kiểm soát của Hải quân Mỹ. Do vậy, chắc chắn sẽ có những ý kiến lo ngại rằng Ấn Độ sẽ phải hợp tác với các đối tác nước ngoài ở cấp độ chia sẻ thông tin nào đó, điều mà Hải quân nước này có thể cảm thấy không thoải mái.

Bên cạnh đó, một số nhà quan sát cũng lo ngại rằng việc đặt hệ thống cảm biến theo dõi xung quanh đảo Andaman và Nicobar có thể dẫn tới việc Trung Quốc quyết định triển khai thêm các biện pháp trong chiến lược A2/AD. Hoạt động của một đơn vị theo dõi của Nhật Bản trên đảo Yonaguni, chỉ cách phía Đông của Đài Loan khoảng 100km, được coi là một biện pháp trong chiến lược A2/AD của Nhật Bản. Các báo cáo cho biết Nhật Bản có thể triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không ở những đảo phương xa của nước này, qua đó tăng cường năng lực A2/AD.

Trong bối cảnh Ấn Độ mới đạt được một thoả thuận về hậu cần với Mỹ gần đây, cũng như các thoả thuận nền tảng khác, có những lo ngại rằng việc thiết lập mạng lưới hệ thống cảm biến dưới đáy biển xung quanh đảo Andama và Nicobar có thể bị coi là sự chuẩn bị cho các hệ thống vũ khí phục vụ chiến lược A2/AD của New Delhi, một động thái mà Bắc Kinh coi là hành động "leo thang" căng thẳng.

Ngọc Anh

Theo National Interest