Phán quyết của PCA ảnh hưởng thế nào đến tham vọng của Trung Quốc?
Tuyên bố của Trung Quốc sẽ không công nhận phán quyết của PCA khiến nhiều người lo ngại tình hình Biển Đông sẽ thêm căng thẳng.
Trung Quốc sẵn sàng chịu “mất mặt” thực hiện mưu đồ ở Biển Đông
Ngay cả trước khi có phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA), Trung Quốc cũng đã thất bại khi từ chối hợp tác với PCA đối với vụ kiện của Philippines về yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Dù vậy, Trung Quốc có vẻ như đã chấp nhận "mất thể diện" để đổi lấy việc "chiếm lãnh thổ và tài nguyên" phi pháp.
Bất chấp sức ép của Mỹ và các quốc gia có liên quan khác, Trung Quốc vẫn né tránh yêu cầu cung cấp những những bằng chứng cho thấy tính hợp pháp của những tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bao gồm cả các bãi đá, rạn san hô, nguồn lợi hải sản và dầu khí.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc từ chối hợp tác trong vụ kiện này sẽ gây tổn hại đến nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tương tự theo luật pháp quốc tế. Những gì mà Trung Quốc đang làm cho thấy, Bắc Kinh sẵn sàng từ chối tham gia vào nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế chỉ vì thấy nó không phục vụ cho lợi ích riêng của họ.
Vụ kiện của Philippines lên Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan chủ yếu tập trung vào yêu sách “đường 9 đoạn” mơ hồ của Bắc Kinh đơn phương vẽ ra ở Biển Đông. Phán quyết cuối cùng của PCA dự kiến sẽ được đưa ra cuối tháng này. Tuy vậy, vì không có cơ chế thực thi nên các tác động của nó đối với tình hình trong khu vực là không rõ ràng.
Ngay từ khi Philippines khởi kiện và đặc biệt là trong những tháng gần đây, các quan chức Trung Quốc, phương tiện truyền thông, các sĩ quan cấp cao của quân đội nước này không ngừng công kích chống lại vụ kiện của Philippines, gọi đó là hành động bất hợp pháp.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân trả lời báo giới tại Bắc Kinh hồi đầu tháng này cho biết: “Vụ kiện của Philippines là hành động đơn phương mang ý đồ chính trị để xúc phạm người khác”.
“Phán quyết mà PCA đưa ra không thể khách quan và công bằng. Đương nhiên chúng tôi sẽ không từ bỏ quyền lợi chính đáng mang tính lịch sử của mình”, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Wu Shicun nói.
Tuy nhiên, bản thân Wu – người ủng hộ Chính phủ Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng, việc đối mặt với vụ kiện của Philippines rõ ràng là tình huống bất lợi cho Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Yun Sun, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở ở Mỹ cho rằng, dù Trung Quốc có đưa ra lập luận như thế nào để phủ nhận tính hợp pháp của phán quyết do PCA ban hành thì việc trốn tránh trách nhiệm sẽ “làm hỏng thanh danh và hình ảnh của Bắc Kinh”.
Mặc dù vậy, theo ông Yun, Trung Quốc có thể chấp nhận việc đánh đổi uy tín, chấp nhận bị “xấu mặt” để tiếp tục nuôi tham vọng kiểm soát “lãnh thổ hữu hình” mà họ đang bất chấp luật pháp quốc tế tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Michael Desch, đồng Giám đốc của Chương trình an ninh quốc tế tại Đại học Notre Dame, Mỹ đồng ý với nhận định trên cho rằng: “Với nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên như hải sản, dầu khí và vị trí địa chính trị chiến lược, tôi e rằng Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng bất chấp tất cả để thực hiện tham vọng của mình”.
Âm mưu ẩn sau thiện chí đàm phán song phương
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn giữ cam kết đàm phán song phương với từng nước liên quan ở Biển Đông. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn cho thấy sự kiềm chế nhất định khi không tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.
Lý giải cho điều này, có những ý kiến cho rằng, sở dĩ Trung Quốc làm như vậy vì không muốn đẩy căng thẳng ở Biển Đông lên một nấc thang mới, đặc biệt sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Đối thoại Shangri-La cảnh báo sẽ “hành động” nếu Bắc Kinh tiến hành hoạt động xây dựng ở đây.
Đó cũng có thể là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh để giữ lại chút ít lòng tin còn sót lại khi Trung Quốc là một bên tham gia ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC 2002.
Theo DOC, các bên liên quan cần thực hiện các bước đi để “giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực”.
Tuy vậy, cái cách mà Trung Quốc “khăng khăng” đòi giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao song phương khiến nhiều người phải đặt câu hỏi rằng, liệu có phải Bắc Kinh đang cố gắng để bưng bít, chia nhỏ sự minh mạch, khiến họ dễ bề xoay sở hơn là khi Biển Đông được đặt lên bàn nghị sự của các cơ chế đa phương.
Nhận định này không phải là không có cơ sở khi nhìn vào cái cách mà Trung Quốc đang “dỗ dành” Philippines, đặc biệt sau khi nước này có Tổng thống mới, ông Rodrigo Duterte – người được cho là có cách tiếp cận linh hoạt hơn về vấn đề Biển Đông so với người tiền nhiệm Benigno Aquino III.
Jay Batongbacal, người đứng đầu Viện Hàng hải và Luật Biển của Philippines cho biết, dựa trên những tuyên bố của ông Duterte, người sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 30/6 tới dường như không đi theo lập trường cứng rắn chống Trung Quốc của người tiền nhiệm.
“Bất kể ông Duterte có cách tiếp cận như thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn việc Trung Quốc từ chối công nhận một phán quyết của PCA bất lợi cho họ sẽ đẩy hai nước vào tình trạng bế tắc ngoại giao”, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia nhận định.
Ông Cuisia nói thêm: “Chúng tôi sẽ chỉ ra rằng Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc của luật pháp quốc tế. Tôi không nghĩ rằng họ muốn gây dựng hình ảnh một quốc gia hành xử theo luật rừng. Vì vậy họ sẽ ngồi xuống với chúng tôi và nói "OK, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này qua con đường ngoại giao”.
Giới phân tích cho rằng, nguy hiểm hơn cả việc Trung Quốc bị mất mặt, còn một cái giá không nhỏ khác đến từ sự ngang ngược của Trung Quốc đó là nó tạo ra một tiền lệ xấu cho những tranh chấp chủ quyền tương tự.
Giáo sư James Kraska tại Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ khuyến cáo rằng, Bắc Kinh đang “nêu gương xấu” trong việc không tuân thủ UNCLOS, nó sẽ làm cho các nước tham gia UNCLOS mất niềm tin ở bản công ước này./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN