Nga yêu cầu Mỹ chấm dứt mọi cáo buộc nhằm vào Moskva
Trước những cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, hôm 16-12, Văn phòng Chính phủ Nga yêu cầu Washington cần phải đưa ra bằng chứng rõ ràng, nếu không, Mỹ nên chấm dứt ngay lập tức mọi cáo buộc nhằm vào nước này.
Cố vấn Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích rõ lập trường của Moskva về vấn đề trên với Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) hồi tháng 9 năm nay.
Ông Usharov nêu rõ: “Một phản hồi thực sự rõ ràng đã được đưa ra từ phía chúng tôi, vốn có thể không ăn khớp với điều mà ông Obama đang muốn giải thích cho chúng tôi”. Đây không phải là lần đầu tiên Nga lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này.
Người phát ngôn Điện Kremlin và cũng là Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov trước đó nhấn mạnh báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ là “hoàn toàn vô căn cứ, không chuyên nghiệp và không liên quan đến thực tế”.
Ngay chính Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng bác bỏ báo cáo của CIA, nhấn mạnh rằng, đây là chuyện “nực cười”, và chỉ là một cái cớ khác của đảng Dân chủ. Ông Trump tuyên bố ông không tin điều này, cho rằng phía đảng Dân chủ đã “tung tin” cho giới truyền thông, chứ không phải CIA đã đưa ra thông tin về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử nhằm giúp ông đắc cử.
Những tuyên bố của phía Nga đưa ra ngay sau khi Tổng thống Obama tuyên bố ám chỉ Tổng thống Putin đích thân chỉ đạo các vụ tấn công mạng để đánh cắp thư điện tử của đảng Dân chủ, nhằm giúp ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8-11.
Tổng thống Obama nói: “Điều này xảy ra ở cấp độ cao nhất trong chính phủ Nga... và hiếm có gì xảy ra ở Nga mà thiếu Vladimir Putin”. Tuy nhiên, ông Obama không cáo buộc trực tiếp Tổng thống Putin mà nói rằng ông muốn cho giới chức tình báo Mỹ thêm thời gian để đưa ra một báo cáo trước khi ông rời nhiệm sở ngày 20-1-2017.
Cùng với đó, ông chủ Nhà Trắng còn cực lực chỉ trích Nga, gọi Nga là một quốc gia nhỏ bé, yếu đuối hơn Mỹ và “không sản xuất ra bất cứ thứ gì mà các nước khác muốn mua, trừ dầu mỏ, khí đốt và vũ khí”. Trước đó một ngày, ông Obama còn tuyên bố Mỹ sẽ trả đũa hành động tấn công mạng của hacker Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở nước này.
Liên quan tới việc này, sau một thời gian dài im lặng trước những tố tụng hậu bầu cử, bà Hillary Clinton cuối cùng đã lên tiếng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Putin đã từng “bất mãn” khi bà tố cáo cuộc bầu cử Quốc hội Nga 5 năm trước là bị dàn xếp, có gian lận. Chính vì điều này đã khiến cho ông Putin quyết định trả đũa bà trong cuộc bầu cử Mỹ 2016 khiến bà thua cuộc.
Cùng với đó, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey cho biết, hệ thống thư điện tử của ông từng bị tin tặc Nga tấn công khi còn tại nhiệm tháng 8-2015.
Trong khi vụ lùm xùm này chưa kịp lắng xuống, thì Nga lại bị đổ vấy cho là đã tấn công mạng làm sai lệch kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu ÂU (EU), còn gọi là Brexit, diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, dẫn đến kết quả gây sốc là chiến thắng của phong trào ủng hộ Brexit.
Thượng nghị sĩ Ben Bradshaw của Công đảng Anh, nguyên Bộ trưởng Văn hóa nước này và là người không ủng hộ Brexit, cáo buộc rằng: “Những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể đạt được về mặt quân sự, ông ấy sẽ dùng không gian mạng và tuyên truyền. Họ có thể đã can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý của chúng ta. Dù không có bằng chứng cho điều này nhưng tôi nghĩ rất có thể nó đã xảy ra”. Vị nghị sĩ này còn phán đoán “các tin tặc được Moskva hỗ trợ” có khả năng làm sai lệch kết quả cuộc bỏ phiếu.
Dinh Thủ tướng Anh đã ngay lập tức ra tuyên bố không ủng hộ cáo buộc này của Nghị sĩ Bradshaw, nhấn mạnh rằng họ “không thấy bất cứ bằng chứng nào về việc Nga thực hiện một cuộc tấn công mạng nhằm vào cuộc trưng cầu dân ý. Đó (cuộc trưng cầu dân ý - PV) là một cuộc bỏ phiếu rất rõ ràng và nhân dân Anh muốn rời khỏi EU”.
Ý kiến của ông Bradshaw cũng không nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện Anh và vấp phải sự chỉ trích của những nghị sĩ bảo thủ - những người ủng hộ Brexit. Nghị sĩ Michael Tomlinson cho rằng “ông ấy đang nói đùa hoặc đây là tuyên bố điên rồ của một người không muốn chấp nhận ý chí của nhân dân”. Trong khi đó, đối thủ thuộc đảng Bảo thủ đã chế giễu ông Bradshaw và gọi những phát biểu của ông “xứng với tờ báo tuyên truyền”.
Một nghị sĩ khác nói rằng, kiểu công kích Nga như vậy làm liên tưởng tới những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh. Về phía Nga, ông Peskov nhấn mạnh rằng, cáo buộc Nga “can thiệp” vào cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU là một “câu chuyện kinh dị”, được phát tán với sự hỗ trợ của những chính trị gia không chuyên nghiệp, với mục đích chuyển hướng chú ý của công luận khỏi thực tế thiếu vắng tiến bộ.
Ông Peskov nêu rõ: “Điều đó chứng tỏ chất lượng thô sơ, thiển cận, thiếu chuyên nghiệp chính trị của các chính khách, những người ưa những câu chuyện giả tưởng kinh dị khác nhau. Họ đang cố gắng dùng những câu chuyện kiểu này để khỏa lấp thực trạng công việc không có tiến bộ trong lĩnh vực chính trị”.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhiều lần dẫn lời Tổng thống Putin khẳng định Brexit là việc nội bộ của Liên hiệp Vương quốc Anh và là vấn đề quan hệ của Anh với EU. Thư ký báo chí Tổng thống Nga đồng thời nhấn mạnh, EU là một đối tác quan trọng của Nga, do đó Moskva luôn quan tâm để EU vẫn là lực lượng kinh tế lớn, phồn vinh, ổn định và tiên liệu được.
Theo Khổng Hà
Công an nhân dân