Nga vạch lằn ranh đỏ xung đột trực tiếp với NATO
(Dân trí) - NATO sẽ bị coi trực tiếp xung đột với Nga nếu cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Khi đó, phương Tây sẽ phải hứng mọi hậu quả.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev ngày 2/3 cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng, họ sẽ bị coi là các bên trực tiếp tham gia xung đột với Nga nếu ngoài cung cấp vũ khí, các nước này còn huấn luyện cho Ukraine, đưa máy bay chiến đấu đến đồn trú ở Ba Lan.
"Nếu phương Tây đưa máy bay chiến đấu đến đồn trú ở Ba Lan để có thể chuyển cho Ukraine trong tương lai, điều đó có nghĩa là NATO sẽ trở thành bên trực tiếp tham gia vào xung đột với Nga, khi đó, họ sẽ phải gánh mọi hậu quả", ông Medvedev bình luận trên mạng xã hội.
Ông nhấn mạnh: "Bất cứ ai quyết định viện trợ những vũ khí trên hay hỗ trợ sửa chữa chúng cùng với các huấn luyện viên quân sự, lính đánh thuê nước ngoài đều bị coi là mục tiêu tấn công quân sự chính đáng (của Nga)".
Ông cho rằng, lo ngại này là lý do duy nhất đến nay phương Tây vẫn do dự chưa chuyển máy bay chiến đấu và vũ khí tầm xa cho Kiev.
Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa để đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga, nhanh chóng chấm dứt xung đột. Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói nước này cần các máy bay chiến đấu như tiêm kích F-16 của Mỹ để hoàn thiện lưới phòng không, ngăn chặn các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ và đồng minh NATO vẫn từ chối cung cấp những khí tài này để tránh nguy cơ xung đột trực tiếp với Moscow.
Mặc dù vậy, Kiev tin rằng phương Tây cuối cùng sẽ đồng ý chuyển máy bay chiến đấu, như họ đã làm với pháo phản lực HIMARS và xe tăng chiến đấu chủ lực sau nhiều lần miễn cưỡng.
Hồi tháng 1, Mỹ và một loạt nước châu Âu cam kết sẽ chuyển xe tăng chiến đấu hạng nặng cho Kiev. Các nước này, trong đó có Đức, đang huấn luyện cho quân nhân Ukraine sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard khi những chiếc Leopard đầu tiên đã được đưa vào chiến trường Ukraine.
Moscow cảnh báo, việc phương Tây cấp vũ khí cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ lan rộng. Nga nhiều lần nói rằng phương Tây đang trở thành một bên tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 28/2 nhấn mạnh: "Các nước Pháp, Anh, Mỹ hiện đang ở trong cùng một tổ chức (NATO) mà trên thực tế đang có chiến tranh với chúng tôi và đang trong tình trạng đối đầu vũ trang trực tiếp với chúng tôi do vũ khí của họ ở Ukraine".
Tháng 9 năm ngoái khi công bố sắc lệnh động viên một phần, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng tuyên bố: "Tại thời điểm này, chúng tôi thực sự đang có chiến tranh với NATO, với cả phương Tây".
Tuy nhiên, NATO đã bác bỏ lập luận này. Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cuối tháng trước viết trên Twitter: "Hiện NATO không có chiến tranh với Nga. NATO thậm chí còn chưa bắt đầu một chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Nga".
NATO khẳng định họ ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine, nhiệm vụ cốt lõi của họ là giữ an toàn cho 30 nước thành viên trong khối và đảm bảo xung đột không leo thang, không lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine.