1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga và Syria đang cận kề chiến thắng

Nhờ sự hỗ trợ của Nga, quân đội chính phủ của Tổng thống Al-Assad đang gần tới chiến thắng ở Syria. Đó là nhận định của Alistair Crooke, cựu nhân viên cơ quan tình báo Anh MI6, một chuyên gia về Trung Đông, trong bài viết đăng trên tờ Huffington Post.

Nga và Syria đang cận kề chiến thắng - 1

Nga không sa lầy như phương Tây tưởng

Từ đầu tháng 2/2016, quân đội Syria đã chặn những kênh chính dẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tiếp tế cho chiến binh ở phía bắc Aleppo. Quân Chính phủ Assad tiếp tục tấn công bao vây khủng bố ở Aleppo. Và nếu quân đội Syria tiến lên phía bắc, liên kết được với người Kurd, thì hầu như toàn bộ lực lượng của Dzhebhat en-Nusra và IS sẽ bị phong tỏa.

Trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn một hành lang do IS kiểm soát. Tuy nhiên hành lang này có thể bị ngăn chặn bởi lực lượng người Kurd Syria ở phía đông sông Euphrates.

Nga cũng đã dự định chặn tất cả các kênh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do khủng bố điều khiển. Bộ Quốc phòng Nga vừa đưa ra bằng chứng cho thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết chuẩn bị xâm nhập Syria. Cựu tình báo Anh không loại trừ rằng đó là cảnh cáo từ phía Moskva đối với Ankara. Dù thế nào chăng nữa, nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực sự bắt đầu hành động quân sự ở Syria, còn NATO chỉ hỗ trợ bằng lời nói, Nga đương nhiên vẫn sẽ giành thế thượng phong trên không trung, cựu nhân viên tình báo Crook nhận xét.

"Thẳng thắn mà nói, có thể thấy tình hình ở Syria đang phát triển không theo hướng "vũng lầy" như tuyên bố của nhiều chính trị gia phương Tây, mà theo hướng một kết quả quân sự rõ ràng" - tác giả bài viết nhấn mạnh. Theo lời Alistair Crooke, bàn đàm phán thực ra không phải là ở Geneva mà là "trên chiến trường giao tranh ở Idlib và Aleppo".

Kết quả là, Syria có thể tái sinh như một quốc gia khu vực hùng mạnh, còn Nga và Iran sẽ ở vị thế người chiến thắng. Các nước phương Tây vốn quen với kết quả không chắc chắn từ động thái can thiệp quân sự của chính mình, hẳn giờ đây sẽ khó chấp nhận thực tại như vậy, cựu nhân viên tình báo Anh khái quát.

Syria khiến Mỹ mất uy tín

Thành tựu hoạt động của Nga ở Syria chứng tỏ sức mạnh từ kế hoạch chính sách có hệ thống của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như hiển hiện sự bất lực của bộ máy chính quyền Mỹ - đó là nhận định của The New York Times.

Tạp chí Mỹ dẫn ra thực tế là Washington chỉ tỏ ra hoạt động bề nổi không mấy tác dụng tại Syria. Tác giả bài viết Roger Cohen cho rằng tất cả những tuyên bố của Mỹ chỉ là "nói suông", trong khi "dàn đại hòa tấu chơi ở Syria theo sự điều khiển của nhạc trưởng Vladimir Putin", thiếu vắng hoàn toàn chính sách rõ ràng nào đó của Tổng thống Obama.

Tác giả Cohen cho rằng chính "cơn hấp hối Syria" của ban lãnh đạo Obama đã dẫn tới những cuộc tấn công khủng bố ở Paris và San Bernardino. Cũng "cơn hấp hối" này góp phần không nhỏ vào sự làm tan rã có thể của các hạt nhân Liên minh châu Âu, khi các nước thành viên một lần nữa phải trở lại dùng đường biên giới nội bộ đối phó với khủng hoảng dân tị nạn.

NYT chỉ ra rằng Syria là "nỗi ô nhục" của Mỹ thời chính quyền Obama, "đại bại qui mô như vậy đã lật nhào tất cả những thành tựu từ chính sách đối nội của Tổng thống".

"Syria đã trở thành nghĩa trang đẫm máu của niềm tin Mỹ" - ông Cohen nhận xét, lưu ý rằng bước ngoặt đã là chuyện với vũ khí hóa học.

"Những sự kiện đó đã phá tan niềm tin vào những ngôn từ của nước Mỹ, khơi lên sự cuồng nộ kéo dài của các nước Sunni đồng minh từ vùng Vịnh Ba Tư, củng cố vị thế của Assad và mở đường cho Tổng thống Nga Putin tiến tới định đoạt số phận của Syria" - tác giả Roger Cohen kết luận.

Mỹ lúng túng tại Trung Đông

Mỹ không hiểu biết rõ về mục tiêu chính sách của mình ở Trung Đông. Đó là đánh giá trong bài báo của chuyên viên chính trị học người Mỹ, giáo sư đại học Harvard Stephen Walt dành cho Foreign Policy.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mọi sự đơn giản hơn nhiều. Washington khi đó có mục tiêu rõ ràng ở Trung Đông, đó là kiềm chế Liên Xô và đảm bảo nguồn cung cấp dầu mỏ liên tục ra thị trường thế giới.

Bây giờ không hiện diện đối thủ mạnh tại khu vực, mà như thế cũng có nghĩa là thiếu vắng đối tượng có tính nguyên tắc cho mục tiêu chính sách Trung Đông của Mỹ. Nhà Trắng buộc phải đương đầu với hàng loạt lực lượng theo đuổi những mục tiêu hoàn toàn khác nhau.

Vấn đề thứ hai là mối quan hệ giữa Washington và các đồng minh Trung Đông của Mỹ đã xấu đi đáng kể. Sự tuột dốc của giá dầu, tình trạng dư thừa cung trên thị trường dầu mỏ, và bối cảnh chung lật lại câu hỏi về ý nghĩa và tác dụng từ sự can thiệp của Mỹ vào Trung Đông. Ngoài ra, "danh sách các chư hầu tuân phục" ở Trung Đông trong 20 năm qua khơi lên mối nghi ngờ về khả năng của Washington trong việc thiết lập và đạt tới mục tiêu thực tế.

Cuối cùng, những vấn đề bức thiết hiện nay ở Trung Đông không thể giải quyết nổi bằng phương tiện quân sự, như Mỹ vẫn quen dùng. Khu vực này cần đến việc tạo lập cơ cấu chính trị hiệu quả, trong khi quân đội Mỹ không đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ này, như chứng tỏ qua điển hình dễ thấy là Afghanistan.

Theo giáo sư Walt, đã đến lúc Washington cần chấm dứt lối cố sức giải quyết những vấn đề mà Mỹ đã không còn đủ khôn ngoan cũng như ý chí.

Theo Tass, RIA, Sputnik

PetroTimes