1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga và đường hướng cân bằng Đông-Tây

Cách duy nhất để Nga đạt được mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kinh tế bền vững 4 - 5%/năm là hội nhập toàn diện với cả phương Đông và phương Tây.

Xoay trục Đông...

Hai tháng leo thang khủng hoảng tại Ukraine cũng là quãng thời gian truyền thông và giới chức Nga đề cập nhiều nhất đến các khái niệm như “xoay trục sang phía Đông”, “xoay trục sang châu Á”… Theo cách nhìn nhận này, tăng cường hợp tác với châu Á, mà nền tảng là thúc đẩy các quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư là biện pháp đơn giản, nhưng hiệu quả giúp Moskva hóa giải những sức ép, căng thẳng trong quan hệ với phương Tây.

 
Nga cần “bắt tay” với phương Đông, nhưng cũng không thể bỏ qua phương Tây.

Nga cần “bắt tay” với phương Đông, nhưng cũng không thể bỏ qua phương Tây.

“Hướng Đông” không hẳn là một chiến lược mới trong chính sách đối ngoại của Moskva, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó được tiếp thêm nhiều động lực và sinh khí mới. Dưới góc độ chính trị, nếu như Nga và phương Tây luôn có sự nghi ngại, thậm chí là đối đầu nhau, trong nhiều vấn đề gai góc như cạnh tranh, giành giật ảnh hưởng tại các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết, việc NATO mở rộng sang phía Đông… thì quan hệ giữa Moskva với những nước châu Á dường như ít có sự đối kháng. Phức tạp nhất là biên giới lãnh thổ cũng đã cơ bản được giải quyết với việc Nga, Trung Quốc ký Hiệp ước phân định đường biên giới vào năm 2005.

Châu Á hiện nổi lên là đầu tàu của kinh tế thế giới, với việc ba nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ có nguồn dự trữ ngoại hối, tiềm năng vốn đầu tư lớn hơn của cả Mỹ, Đức và Pháp cộng lại. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua tương đương (PPI) của ba nền kinh tế châu Á là 23,6 nghìn tỉ USD, vượt con số tương ứng của 3 nền kinh tế lớn nhất phương Tây - chỉ có 21,5 nghìn tỉ USD. Không những vậy, tiềm năng hợp tác giữa Nga với các nước phương Đông rất to lớn. Trong tổng số 500 tỉ USD đầu tư nước ngoài vào Nga hiện nay (loại trừ các dự án dầu khí của Rosneft), chỉ có 50 tỉ USD là đến từ châu Á. Kim ngạch ngoại thương của Nga với châu lục này hiện mới chỉ ở mức 150 tỉ USD, bằng 1/3 so với trao đổi thương mại Nga - châu Âu.

Quan trọng hơn, việc “xoay trục” này sẽ giúp cả hai bên khai thác hết tiềm năng, bổ sung nhu cầu, thế mạnh cho nhau. Nga đang cần “đầu ra” cho dòng dầu, khí đốt, vũ khí để tránh phụ thuộc vào châu Âu, khôi phục lại vị thế quân sự trước Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ… đều đang rất “khát” những sản phẩm này. Hướng sang một châu Á thịnh vượng, phát triển nhanh dường như sẽ mang lại cho Nga nhiều lợi thế hơn so với việc buộc phải theo đuổi một phương Tây “rắc rối”, mà biểu hiện rõ nhất là cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.

... nhưng không bỏ qua trục Tây

Tuy nhiên, xét về mặt dài hạn, Nga sẽ phải đối mặt với một thảm họa lớn, đặc biệt là về kinh tế, nếu chỉ theo đuổi đường hướng nghiêng hẳn về phương Đông mà bỏ qua phương Tây.

Nga cần vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hệ thống ngân hàng và thị trường vốn. Dòng tiền này có thể đến từ các nước châu Á và Trung Đông. Nhưng cái mà Moskva cần hơn là những bí quyết và công nghệ của các đối tác nước ngoài để hiện đại hóa nền kinh tế - điều chỉ có thể đạt được qua hợp tác với các công ty, tập đoàn lớn của phương Tây. Đơn cử như việc Nga hiện rất quan tâm đến khai thác nguồn năng lượng ở Bắc Cực, vùng biển nước sâu quanh bán đảo Shakhalin. Để đạt được mục tiêu đó, Nga phải cần đến kinh nghiệm và công nghệ của những “đại gia” như ExxonMobil, BP hay là Shell, chứ không phải là tiền, vốn của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) hay Công ty dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC). Kế hoạch phát triển các ngành kinh tế then chốt khác mà Nga đang dồn nhiều nỗ lực như nông nghiệp, dược phẩm… cũng chỉ có thể hiện thực hóa được trong khung hợp tác với các đối tác phương Tây.

Không những vậy, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để Moskva ngưng trệ các bước hội nhập với phương Tây, khi mà châu Á hiện tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn sau nhiều thập kỉ tăng trưởng nhanh. Nhìn về Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ thời điểm cải cách, mở cửa, liên quan đến khủng hoảng tín dụng cùng với bong bóng bất động sản có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc từ năm 2008 đến nay đã lên tới 13.000 tỉ USD, vượt qua toàn bộ sự tích tụ của hệ thống ngân hàng thương mại Mỹ trong hơn 100 năm qua. Trong lịch sử, chưa có một nền kinh tế nào tăng trưởng nhanh, trong một thời gian dài, với sự mở rộng tín dụng lớn như Trung Quốc. Đó có thể sẽ là một chỉ báo nguy hiểm về một nền kinh tế đang ở trạng thái dễ đổ vỡ, mà hệ quả của nó gây ra đối với khu vực và toàn cầu là đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khoảng 10 năm đàm phán, nhiều khả năng Nga và Trung Quốc sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác “khủng” trong lĩnh vực năng lượng trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 20/5 tới. Nga cần hợp tác với các đối tác mới ở châu Á - đó là điều hiển nhiên. Nhưng điểm mấu chốt là: Sự hợp tác này phải theo hướng bổ sung, chứ không phải là loại bỏ các quan hệ đã được thiết lập với phương Tây. Nếu không, Nga có nguy cơ trở thành một “vựa dầu khí” lớn chuyên cung cấp cho các nền kinh tế châu Á “khát” năng lượng.
 
Theo Hoài Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm